• Dự thảo Nghị định về BĐS: Doanh nghiệp còn nhiều thắc mắc

Dự thảo Nghị định về BĐS: Doanh nghiệp còn nhiều thắc mắc

Ngày cập nhật: 20/7/2015 » Nghị định thi hành luật đât đai

Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới quy định trong những dự thảo Nghị định với đại diện cơ quan soạn thảo.

Những câu hỏi này được đưa ra tại hội thảo về những dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở do Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) phối hợp cùng Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM ngày 17/7.

Theo đó, liên quan tới quy định cho Việt kiều và người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu đề nghị, dự thảo Nghị định cần phải làm rõ thông tin về nguồn gốc của người Việt một cách rõ ràng, đơn giản giúp cho bà con Việt kiều có đủ cơ sở pháp lý để được hưởng chính sách mua và sở hữu nhà ở cũng giống như người trong nước.

Đồng thời, phải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển tiền đối với người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài hiện đang sinh sống ở Việt Nam cũng quan tâm tới việc có được vay vốn của các ngân hàng tại Việt Nam để mua nhà ở, có được mua và sở hữu diện tích căn hộ chung cư cao hơn mức quy định hiện hành hay không.

Về dự thảo Nghị định cải tạo chung cư cũ, theo ông Lê Hoàng Châu, mặc dù dự thảo Nghị định đã cho phép xã hội hóa nhằm huy động nhiều doanh nghiệp tham gia, tăng hệ số sử dụng đất lên gấp 3 lần và không hạn chế chiều cao đối với những chung cư xây dựng lại. Nhưng vẫn cần bổ sung thêm quy định về cho phép gia tăng quy mô dân số dự án lên tối thiểu là gấp 3 lần mới có thể thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Đối với quy định người nước ngoài sở hữu nhà ở, Giám đốc kinh doanh Công ty Sacomreal Lê Anh đề nghị, cần có hợp đồng mẫu bằng tiếng Anh để doanh nghiệp giao dịch với người nước ngoài. Doanh nghiệp này cũng thắc mắc về những quy định về visa, thời gian gia hạn hợp đồng mua bán nhà, quy định về việc chuyển nhượng đối quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài.

Theo Phó Giám đốc Công ty Đất Lành Nguyễn Văn Đực, việc thu 2% phí bảo trì tòa nhà chung cư là bất hợp lý bởi với khoản phí dao động từ 10-100 tỷ đồng tùy quy mô của từng tòa nhà nếu chủ đầu tư bỏ trốn, bị phá sản thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Ngay cả khi khoản phí đó được bàn giao cho Ban quản trị tòa nhà thì cũng khó có thể bảo đảm không bị rủi ro. Ngoài ra, ông Đực cho biết, việc thuê công ty quản lý tòa nhà nên để cho Ban quản trị chung cư và người dân tự quyết định dựa trên nhu cầu thực tế của mình.

Về quy định các chủ đầu tư dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất để tiến hành xây dựng nhà ở xã hội, ông Đực cho rằng, cũng cần phải xem xét lại và Nhà nước nên đứng ra làm thay vì ép doanh nghiệp như hiện tại...

Ông Huỳnh Vũ Quốc Phương, Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Chính phủ giải đáp các thắc mắc doanh nghiệp nêu xung quan những dự thảo Nghị định của Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở. Ông cho rằng, quy định các chủ đầu tư dự án BĐS phải dành ra 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội nhằm để các chủ đầu tư có trách nhiệm và phải chia sẻ với cộng đồng và người dân để họ có được chỗ ở đã được đồng bộ về hệ thống cơ sở hạ tầng.

Về quy định cải tạo chung cư cũ, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho hay, quan điểm chung dự thảo cũng đã thống nhất là chỉ tăng tăng hệ số sử dụng đất, tăng chiều cao chứ không tăng quy mô dân số. Nhưng quy định này cũng sẽ được cân nhắc đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối với quy định mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài, theo đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan này đã tiếp thu ý kiến của Bộ Ngoại giao. Cụ thể, để mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bên cạnh hộ chiếu, người nước ngoài cần có dấu kiểm chứng nhập cảnh, còn Việt Kiều thì cần phải có thêm giấy tờ chứng minh có nguồn gốc là người Việt Nam. Chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam là người nước ngoài  được mua nhà, không quy định thời gian nhập cảnh. Đối với chuyển nhượng sở hữu nhà ở, người nước ngoài được quyền chuyển nhượng cho những người thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong thời gian sở hữu còn lại.

Còn về quy định về 2% phí bảo trì chung cư, pháp luật hiện hành quy định, chủ đầu tư phải bàn giao tiền sau 7 ngày Ban quản trị chung cư được thành lập và phải được dùng đúng mục đích. Thuê đơn vị chuyên nghiệp quản lý vận hành là quy định bắt buộc đối với những chung cư có thang máy, còn đối với tòa nhà không có thang máy thì sẽ không bắt buộc.

(Theo Hải quan Online)