• Từ 2017, sẽ đánh thuế khi sở hữu từ hai BĐS trở lên

Từ 2017, sẽ đánh thuế khi sở hữu từ hai BĐS trở lên

Ngày cập nhật: 1/11/2016 » Thủ Tục Nhà Đất

Theo quy định của Luật Thuế tài sản, cùng với các loại thuế, phí chuyển nhượng nhà đất, từ năm 2017, người dân sở hữu từ hai bất động sản (BĐS) trở lên sẽ phải đóng thuế.

Trước đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội từng cho rằng, số thu dự kiến từ thuế nhà ở cho ngân sách Nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thuế tài sản là thuế mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Với những người có 2-3 nhà thì có từ nhà thứ hai trở lên sẽ bị đánh thuế.

Thực tế, sắc thuế này đã được đề xuất từ hơn 5 năm trước với tên gọi thuế nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất. Tại thời điểm đó, đề xuất này không được Quốc hội thông qua.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đánh giá, việc đánh thuế từ BĐS thứ hai trở đi là hợp lý.

Theo ông Nam, đây là chính sách vừa đảm bảo tăng thu cho ngân sách Nhà nước, vừa góp phần bình ổn thị trường BĐS, có ý nghĩa hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí nhà ở.

Theo một số ý kiến, trên thực tế, việc xác định được nhà thứ hai, thứ ba cũng không phải là chuyện dễ.

Ví dụ, một ai đó đang sở hữu một căn nhà và đứng tên chính chủ nhưng từ căn nhà thứ hai trở đi, họ lại cho vợ, con, người thân đứng tên. Như vậy, cơ quan thuế khó để tìm căn cứ đánh thuế.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trước đây đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở vì chưa có sự đồng thuận cao trong dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở. Tuy nhiên, thực tế, giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất, đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất, chứ không phụ thuộc đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất.

Do đó, để hạn chế đầu cơ, việc tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất là cần thiết.

Cũng theo ông Hiển, áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản. Trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ôtô, máy bay, tàu thủy, du thuyền...

Do đó, nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Hơn nữa, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở. Đặc biệt, dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho ngân sách Nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

(Theo Vneconomy)