• Hoạt động định giá, đấu giá quyền sử dụng đất bộc lộ hạn chế

Hoạt động định giá, đấu giá quyền sử dụng đất bộc lộ hạn chế

Ngày cập nhật: 27/6/2022 » Thị trường nhà đất

Hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức giúp các địa phương huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy định hiện hành, việc định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai, về đấu giá tài sản và về quản lý thuế.

Công tác xác định giá đất cụ thể cũng đã được các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu; góp phần tăng thu cho ngân sách, bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi.

Việc định giá đất cụ thể mỗi dự án đã được các địa phương cân nhắc thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm đúng quy định pháp luật và nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Bên cạnh đó, về đấu giá quyền sử dụng đất cũng được pháp luật về đất đai quy định rõ về nguyên tắc, điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Các trường hợp phải đấu giá và không phải đấu giá quyền sử dụng đất; quy định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định...

Theo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế chỉ định đối tượng được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng được thực hiện phổ biến, mở rộng hơn, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và tăng giá trị thu được qua các năm.

Và thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá là quá dài tận 180 ngày...

Trong thời gian hơn 2 năm trở lại đây, những hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất “dậy sóng” dư luận, thu hút sự quan tâm của xã hội. Như vụ việc tại Thái Bình năm 2020; huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021;

Đặc biệt vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 gây tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hoạt động định giá, đấu giá quyền sử dụng đất cũng dần bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Việc tổ chức thực hiện của một số địa phương còn lúng túng, vai trò giám sát chưa nghiêm túc.

Cũng chính các quy định của pháp luật về đấu giá chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Có thể thấy, việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong đấu giá quyền sử dụng đất giữa pháp luật về quản lý thuế (Điều 59 Luật Quản lý thuế) và pháp luật về đất đai (Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) chưa có sự thống nhất với nhau.

Nhiều chuyên gia nhận định, pháp luật hiện nay chưa có quy định dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường; chưa có chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đã phân tích, chỉ ra rõ những hạn chế, tiêu cực đối với hoạt động này. Đó là, tại một số nơi xuất hiện “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ”;

Hiện tượng thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" với mục đích thao túng thị trường...

Những tiêu cực trên tác động làm tăng giá bất động sản, nhà ở, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, thu hồi đất và thu hút đầu tư của địa phương. Đặc biệt, việc mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá làm “loạn” mặt bằng giá bất động sản.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.