• Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Sẽ có nhiều dự án bất động sản tạo ra nguồn cung lớn

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Sẽ có nhiều dự án bất động sản tạo ra nguồn cung lớn

Ngày cập nhật: 19/7/2021 » Thị trường nhà đất

Tại Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2021 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, đặc biệt là trong thời gian qua giá đất nền tăng nóng, cục bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường nhưng thời gian tới sẽ có nhiều dự án bất động sản tạo ra nguồn cung lớn.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn.

Nhiều giao dịch tiềm ẩn rủi ro cho người dân

Thứ trưởng Sinh cho biết, trong thời gian qua cũng có nhiều giao dịch nổi nên nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến lợi ích người dân, đặc biệt là những giao dịch không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch được thực hiện ở đất rừng, nông nghiệp… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là cho người dân.

“Do đó, trong thời gian tới chúng tôi đề nghị doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện nghiêm túc trình tự thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục giao đất, thủ tục về đầu tư”, Thứ trưởng nêu quan điểm.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở khi kinh doanh phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng, đảm bảo tính pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, thời gian tới, với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Xây dựng, cùng chỉ đạo từ các tỉnh thành, các dự án bất động sản sẽ được đầu tư đồng bộ và tạo ra nguồn cung lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tạo nên thị trường bất động sản lành mạnh.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin được đồn thổi. “Người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần xem xét cẩn thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hàng năm, có rất nhiều sự kiện, diễn đàn liên quan đến bất động sản, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các buổi trao đổi thảo luận để có thể kiến nghị giải pháp giúp các cơ quan Nhà nước đưa ra chính sách phát triển bất động sản ngày càng phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Đóng góp của xây dựng bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%, trong đó bất động sản đóng góp khoảng 4,5 % GDP và xây dựng khoảng gần 6%,... Như vậy, hoạt động bất động sản luôn luôn có một vai trò hết sức quan trọng, doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35% ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.

Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn

Chính vì vậy, năm 2020, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, có những cơ chế tháo gỡ cho thị trường bất động sản như VCCI đã có ý kiến là rất nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường trong hoạt động kinh doanh đã được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ, thông qua việc ban hành một loạt các cơ chế chính sách mới.

Việc ban hành chính sách đã thúc đẩy cho thị trường trong đó năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Song song với đó, Chính phủ ban hành một loạt Nghị định tác động trực tiếp đến thị trường. Bên cạnh đó, Bộ xây dựng cũng trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ngày 15/7, Thủ tướng đã ký Nghị định số 69 về cải tạo chung cư cũ, đây là một trong những bước tháo gỡ bên cạnh việc góp phần cải tạo chỉnh trang các khu chung cư cũ trên địa bàn.

“Chúng tôi xác định trong thời gian vừa qua vẫn đang xảy ra một số tồn tại, một số thực tế cần tiếp tục bàn, nghiên cứu, lưu ý như: vẫn còn những quy định cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để hỗ trợ thị trường; Cơ cấu sản phẩm vẫn còn chưa phù hợp với nguồn cung đặc biệt là chung cư cao cấp trở nên nhiều hơn, mặc dù đầu vào không có nhiều thay đổi, nhưng bất động sản trung bình, giá rẻ phục vụ cho đại đa số tầng lớp có nhu cầu thì chưa phải là phát triển. Giá bất động sản đâu đó đã thiết lập trên một mặt bằng mới mặc dù có đại dịch Covid xảy ra. Tiếp theo là vẫn còn xuất hiện một số tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý vẫn tung ra thị trường, gây ra rủi ro, hoạt động kinh doanh không bình thường cho thị trường hoặc có biểu hiện lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản, vẫn còn trình trạng đầu cư phổ biến, thổi giá cục bộ”- ông Khởi nói.

Ông Khởi cho rằng, đây là những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi xuất hiện những diễn biến về đại dịch, những biến động mới trong phát triển kinh tế của đất nước.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ có một loạt những chính sách mới ban hành. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành những Nghị định liên quan đến kinh doanh bất động sản. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III - quý IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản.


Thị trường bất động sản thời gian tới được đầu tư nhiều hạ tầng và các dự án có nguồn cung lớn.

Đánh giá thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, những chính sách tháo gỡ quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương chưa được triển khai, thì thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, hiện nay, rất nhiều các mô hình kinh doanh bất động sản mới ở thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam đem về, trong khi luật pháp Việt Nam chưa có quy định và cũng đang vướng mắc. Bản thân các cơ quan Nhà nước ở địa phương và Trung ương cũng đang vướng mắc. Có nhiều dự án khả năng chưa thể xử lý ngay được mà cần có sự tháo gỡ từng bước.

Nhiều chồng chéo trong các luật về lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, kinh doanh bất động sản

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thông tin, từ năm 2019 VCCI đã gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo nhanh về sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu. Từ kiến nghị của VCCI, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thành lập cơ quan rà soát chồng chéo pháp luật.

“Không những vậy, những vướng mắc liên quan đến pháp luật đất đai đã được phân tích và làm rõ tới 10 điểm trong Luật Đầu tư mới. Đặc biệt, các Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ hơn nữa các nhà đầu tư, các nhà phát triển bất động sản. Khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, tâm lý thận trọng hơn của nhóm các nhà đầu tư, những kênh đầu tư lướt sóng như vàng và chứng khoán đều chưa khiến các nhà đầu tư thực sự an tâm khi xuống tiền. Trong bối cảnh đó, bất động sản vẫn chứng minh được rằng, đây là kênh đầu tư hấp dẫn số một bất chấp biến động thị trường trong suốt thời gian “giãn cách”. Đặc biệt, sau khủng hoảng Covid-19, các sản phẩm đầu tư 3 trong 1: mua ở - tự doanh – cho thuê còn nổi lên như là một giải pháp an toàn và bền vững, đáp ứng được kỳ vọng mới của nhà đầu tư”- Vị Chủ tịch VCCI thông tin thêm.

Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng