• Trông đợi 3.000 tỷ ưu đãi, dân nghèo vay vốn mua căn hộ giá rẻ

Trông đợi 3.000 tỷ ưu đãi, dân nghèo vay vốn mua căn hộ giá rẻ

Ngày cập nhật: 23/5/2020 » Thị trường nhà đất

Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội phục vụ đối tượng này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 40% kế hoạch.

Chuyên mục

Bốc thăm, xếp hàng mua nhà

Cuối năm 2010, nhiều khách hàng mua nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông của Vinaconex Xuân Mai đã phải phải lặn lội đến tận trụ sở của DN này ở thị trấn Xuân Mai để xếp hàng và bốc thăm quyền mua căn hộ.

Trong giai đoạn thị trường bất động sản còn sốt nóng, dự án mở bán đã thu hút được sự quan tâm của những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. 328 căn hộ của dự án này đã sớm có chủ ngay trong lần bốc thăm đầu tiên và người mua nhà được dọn về nhà mới từ tháng 4/2011. Cơn sốt nhà xã hội của Vinaconex Xuân Mai lan sang dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng, quận Hà Đông sau đó.

Mỗi năm, dân số tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM ngày càng gia tăng chóng mặt, trong đó chủ yếu là dân nhập cư. Người dân từ các tỉnh đổ về thành phố ngày càng nhiều để sinh sống, làm việc.

Trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay trên thị trường vô cùng hạn chế, không có nhiều dự án. Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, hiện đang có sự mất cân đối về các loại hình nhà ở. Trong khi các dự án nhà ở trung và cao cấp dư thừa, thì nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ lại thiếu hụt.

Bốc thăm, xếp hàng mua nhà

Tổng hợp tại 60/63 địa phương hiện có 2.256 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị với tổng diện tích 43.783 ha thì chỉ có 1.040 dự án dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích đất đã bố trí phát triển nhà ở xã hội là 3.359 ha.

Con số này mới chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020. Còn lại 1.216 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất cho nhà ở xã hội hoặc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp tiền.

Còn theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội vừa được Kiểm toán nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.

Thực tế, loại hình nhà ở này không có lãi nên các doanh nghiệp không mặn mà, số lượng nhà ở xã hội cho thuê tại Hà Nội không nhiều, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước. Tổng Công ty Viglacera đã tham gia ngay từ những dự án đầu tiên: Dự án chung cư thu nhập thấp Đặng Xá (huyện Gia Lâm), chung cư thu nhập thấp Đại Mỗ, chung cư thu nhập thấp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm)… và đến nay là Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (huyện Đông Anh).

Tại khu vực phía Bắc, HUD cùng các công ty thành viên đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng hơn 2.100 căn hộ. Tổng diện tích mặt sàn nhà ở là 140.000m2 tại các địa bàn: Tây Nam Linh Đàm - Hà Nội; khu chung cư thu nhập thấp tại phường Phú Sơn - Thanh Hóa; khu phố 3-4, phường Trần Hưng Đạo - Thái Bình.

Liên quan khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, khi triển khai các dự án nhà ở xã hội đòi hỏi chi phí xây dựng phải thấp, khi đó chủ đầu tư cũng không mặn mà trong việc giám sát, quản lý. Về phía nhà thầu xây dựng cũng vậy, họ tìm cách lách những quy định mà nhà nước đặt ra đối với các công trình xây dựng.

Đại diện Tổng Công ty Viglacera - CTCP cho rằng, mặc dù lợi nhuận nhà ở xã hội không bằng được với việc đầu tư, phát triển nhà ở thương mại, tuy nhiên, các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội với trách nhiệm xã hội, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Trước tình hình khó khăn của dịch Covid -19 thời gian qua, bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng đảm bảo việc triển khai xây dựng đúng tiến độ.

'Phao cứu sinh' 3.000 tỷ đồng

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Cùng đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.

Nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn

Để giải bài toán về nguồn cung nhà ở xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng tham mưu UBND TP giải quyết, cho phép chuyển đổi theo quy định các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội.

Tại Hà Nội, để thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng chủ trì, làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện dự án, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, đôn đốc, hoàn thành công tác lập quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, với việc sắp triển khai gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư cũng như cả người dân vay để xây dựng nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở xã hội nên sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ.

Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ cũng được tung ra kịp thời. Đến thời điểm này, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ xây dựng; đồng thời, đang trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, như dự án Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (xã Kim Chung, huyện Đông Anh)…

Đại diện Tổng Công ty Viglacera - CTCP cho biết, do được ưu đãi tiền thuế đất nên giá bán nhà ở xã hội có mức thấp hơn so với nhà ở thương mại cùng khu vực. Cụ thể, Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (huyện Đông Anh) đang triển khai xây dựng hơn 1.500 căn hộ. Ngày 24/5 tới đây, doanh nghiệp sẽ khai trương căn hộ mẫu và mở bán giai đoạn 1 với 484 căn hộ của tòa CT4 với giá hơn 13 triệu đồng/m2, dự kiến các căn hộ này sẽ được bàn giao trong quý 4/2020.

Dự án IEC Residences Tứ Hiệp chính thức ký hợp đồng mua bán theo tiến độ với khách hàng. Chủ đầu tư cũng cho biết, sau khi kết thúc hồ sơ đợt 1, đơn vị vẫn đang tiếp nhận hồ sơ 433 căn đợt 2 đến ngày 5/06/2020.

Việc rút gọn trình tự thủ tục vay vốn nhà ở xã hội được coi là tín hiệu vui với nhiều người dân thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn từ nguồn tín dụng của Chính phủ, và giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của những người thu nhập thấp ngày càng đến gần.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/trong-doi-3000-ty-uu-dai-dan-ngheo-vay-von-mua-can-ho-gia-re-280076.html