• Linh hoạt với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt trong vay vốn bất động sản

Linh hoạt với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt trong vay vốn bất động sản

Ngày cập nhật: 27/6/2022 » Thị trường nhà đất

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay tín dụng thì cần phải dựa vào các yếu tố sau: Năng lực chủ thể của khách hàng vay; Năng lực tài chính/năng lực trả nợ của khách hàng vay; Tài sản bảo đảm của khách hàng vay; Lịch sử tín dụng/uy tín của khách hàng vay; Các điều kiện tín dụng của khoản vay.

HoREA cũng kiến nghị tổ chức tín dụng cho vay để “góp vốn, hợp tác đầu tư” trong trường hợp khách hàng vay có tài sản bảo đảm.

Về nội dung kiến nghị này, HoREA thống nhất về nguyên tắc tổ chức tín dụng không được cho vay “góp vốn, hợp tác đầu tư” tại khoản 8 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 “Dự thảo Thông tư”), nhưng đề nghị tổ chức tín dụng vẫn được cho vay “góp vốn, hợp tác đầu tư” trong trường hợp khách hàng vay có tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Ví dụ: Cho vay để góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; Cho vay để hợp tác đầu tư với bên thứ ba; Nhận chuyển nhượng vốn góp; Bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa mà người vay có tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Do vậy, việc kiểm soát nhu cầu vốn thông qua biện pháp không được cho vay tín dụng chỉ nên quy định trong các trường hợp như sau:

Nhu cầu vốn cho các mục đích mà pháp luật cấm, ví dụ như mua bán vũ khí, ma túy, buôn lậu; Nhu cầu vốn cho các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ví dụ như mua bán vàng miếng;

Nhu cầu vốn để đảo nợ hoặc nhằm mục đích che giấu nợ quá hạn/nợ xấu, HoREA cho biết.

Đối với các ngành nghề không khuyến khích cho vay thì chỉ yêu cầu áp dụng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn để hạn chế tín dụng, ví dụ như giới hạn tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm; giới hạn về tỷ lệ cho vay/tổng dự nợ…

Đối với khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản bảo đảm tốt, thanh khoản cao, pháp lý đầy đủ thì tài sản đó cũng được xem là nguồn lực tài chính của khách hàng như là vốn tự có, vốn đối ứng, ứng trước của khách hàng trong dự án/phương án vay vốn.

Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng, Điểm b khoản 7 Điều 1 “Dự thảo Thông tư” bổ sung điểm h khoản 2 Điều 22 Thông tư tư 39/2016/TT-NHNN quy định:

“h) Kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh nhà đất; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo xác định của tổ chức tín dụng”.

Hiệp hội nhận thấy, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng “quy định nội bộ” của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, vừa phục vụ công tác quản lý của chính tổ chức tín dụng, vừa phục vụ công tác quản lý nghiệp vụ, quản lý ngành của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng, do điểm b khoản 7 Điều 1 “Dự thảo Thông tư” sử dụng từ “kiểm soát” việc “cho vay mua, kinh doanh bất động sản” và “kiểm soát” việc “cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn”.

Do đó đã dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả “thắt chặt” cho vay để mua bất động sản cao cấp do đây là khoản vay “có giá trị lớn”, có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng “ngại” hoặc “không dám” cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở, hoặc vay để xây nhà, sửa chữa nhà, mà điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Do vậy, nên thay thế từ “kiểm soát” bằng từ “quản lý” hoặc cụm từ “tăng cường quản lý” và Ngân hàng Nhà nước cần quy định “khoản vay có giá trị lớn” để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý - HoREA nhấn mạnh.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.