• Bắc Giang: Nhiều khó khăn, vướng mắc về xây dựng nhà ở xã hội cần được “tháo nút”

Bắc Giang: Nhiều khó khăn, vướng mắc về xây dựng nhà ở xã hội cần được “tháo nút”

Ngày cập nhật: 30/5/2023 » Thị trường nhà đất

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng cao, trong khi việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án còn chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra. Một số dự án khu đô thị còn chưa bố trí quỹ đất 20% cho xây dựng, phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với đó là việc nhiều đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng lại khó tiếp cận và gặp nhiều khó khăn trong việc xét duyệt hồ sơ.

Cụ thể, quy định Tại Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; được sửa đổi bổ sung bởi điểm b, khoản 13, Điều 1 Nghị định số 49/2021 quy định:

“Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên (theo nguyên tắc quy định tại Điều 23 Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn quy định này bộc lộ rõ nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện tại các địa phương.

Tiêu chí không có nhà ở, đất ở không rõ được thực hiện tại nơi có dự án, địa bàn huyện nơi đối tượng thường trú, tạm trú hay trên địa bàn toàn tỉnh, cả nước.

Dẫn tới cách triển khai của các địa phương khác nhau, không thống nhất. Bên cạnh đó, việc rà soát các đối tượng để xem có nhà ở, đất ở hay chưa trong giai đoạn này còn nhiều bất cập, như: Sổ đỏ thường cấp cho hộ gia đình trong đó có bố mẹ và đối tượng đăng ký mua nhà (hiện nay nếu không có nhà ở thì không thể tách hộ theo Luật cư trú).

Vậy bố mẹ đã có sổ đỏ đất ở, nhà ở của hộ gia đình thì đối tượng đó có được coi là chưa có đất ở, nhà ở hay không; dữ liệu về đất đai của các địa phương chưa hoàn thiện nên thời gian để kiểm tra, xác minh về nhà ở, đất ở thường không đảm bảo theo quy định, đối tượng đăng ký mua có dữ liệu về thuế ngoài tỉnh sẽ rất khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh…

Ngoài ra, mặc dù các đối tượng đã có nhà ở, có đất ở nhưng ở quê, đi làm tại khu công nghiệp ở xa muốn thuê hoặc mua nhà để ổn định lao động lại không được mua, thuê mua (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khi rà soát có công nhân làm việc cách 80km đã có nhà, đất ở quê nên ko được mua nhà ở xã hội mặc dù là đang rất cần).

Cùng với đó là việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 58 của Luật Nhà ở năm 2014:

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này”.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Chủ đầu tư dự án được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xác định hỗ trợ “một phần kinh phí” là như thế nào, triển khai thực hiện ra sao là chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho các địa phương khi áp dụng chính sách”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay.

Cũng theo ông Phan Thế Tuấn, hiện những quy định về đối tượng được hưởng thụ của dự án nhà ở xã hội còn thiếu rõ ràng.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân của mình ở nhằm mục tiêu tăng cường kỷ luật, tập trung quản lý, phòng tránh tệ nạn xã hội và dịch bệnh là rất lớn.

Đặc biệt nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên với khung pháp lý hiện hành, việc đó chưa thể triển khai thực hiện.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.