Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển và lao vào vòng xoáy khủng hoảng. Kể từ đó, bất động sản đã khiến một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng đã xấu đi rõ nét.
Chỉ tiêu nổi bật nhất chính là GDP quý I năm nay chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 12 năm.
Đây cũng là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao, là con số báo động khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm lung lay…
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm...
Trong đó, một số ngành nghề "kéo lùi" tăng trưởng có thể kể đến như công nghiệp và xây dựng. Hai khu vực này giảm 0,4% làm giảm 4,76%. Mà xây dựng là ngành có quan hệ mật thiết tới bất động sản.
GDP chững lại khi GRDP của một số tỉnh thành "đầu tàu", mà tiêu biểu nhất là TPHCM "hãm phanh". GRDP quý I/2023 của TPHCM ước đạt 360.622 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 và là thành phố tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ bất động sản. Bất động sản giảm 16,2%, kéo theo xây dựng giảm 19,8%. Đây là 2 lĩnh vực có mức giảm lớn nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu.
Bên cạnh GDP, tăng trưởng tín dụng cũng gặp nhiều vấn đề khi bất động sản tê liệt.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%), ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng, còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...
Bất động sản tê liệt không chỉ ảnh hưởng đến vĩ mô mà còn tác động tiêu cực tới vi mô. Điều này được thể hiện qua việc các doanh nghiệp hoặc phá sản, hoặc mạnh tay cắt giảm nhân sự, lương thưởng.
Số liệu từ báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước đạt gần 1.200 doanh nghiệp.
Kết quả là nhiều "anh cả" của ngành đồng loạt chứng kiến quy mô nhân sự giảm sâu (Tập đoàn Đất Xanh, KS Finance, Novaland…), có nơi giảm tới 50%.
Nhưng bất động sản không chịu "tổn thương" một mình vì liên quan đến bất động sản, còn có hàng chục ngành nghề quan trọng khác.
Đi cùng với bất động sản là xây dựng. Ngành xây dựng có nhiều ông lớn như Tập đoàn Hòa Bình rơi vào tình cảnh "cạn" dòng tiền, mạnh tay cắt giảm lương của người lao động.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.