Theo nhiều tổ chức nghiên cứu đánh giá chính sách kinh tế, ngoài Nghị định 10/2023, hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được Chính phủ ban hành kể từ đầu năm 2023 như bao gồm Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản hay Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Vndirect, hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm, điển hình từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013 đã gặp nhiều vấn đề bất cập.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt hơn với gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Thông tư 02 và Thông tư 03 cũng được cho là sẽ mang đến nhiều hơn "oxy" cho thị trường.
Dù vậy, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu có "rã đông" khi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn về pháp lý vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Chúng tôi tin rằng các chính sách ban hành như trên có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi", công ty chứng khoán này nhận định.
Như đã nêu trên, TS Nguyễn Văn Đính khẳng định, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tập trung vào hai công việc chính: Pháp lý và dòng vốn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh khó khăn về vốn, 70% vướng mắc của thị trường lại là pháp lý. Vì vậy, tháo gỡ từ pháp lý là vô cùng quan trọng.
Về tháo gỡ khó khăn về pháp lý, các vướng mắc chủ yếu tập trung ở hành lang pháp lý đến tiến độ xử lý, giải quyết tại địa phương.
Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, chồng chéo, xung đột, dẫn đến doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản chịu sự chi phối của khoảng 20 văn bản luật.
Liên quan đến pháp luật về đất đai, khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất…, đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường" chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.
Có thể thấy, bất động sản là một ngành kinh doanh phải thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với những ngành nghề khác, chịu sự tác động của hàng loạt luật khác nhau.
Vì sự phức tạp, chồng chéo này mà nhiều ý kiến từng đánh giá các thủ tục bất động sản là một "ma trận" làm cho tốc độ triển khai dự án bị hạn chế rất lớn.
Về khơi thông dòng vốn, cơ quan chức năng cần có những giải pháp trúng và đúng để tháo gỡ khó khăn về vấn đề pháp lý, kích thích dòng tiền giúp các dự án đang vướng mắc có thể "hồi sinh", tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản cùng hàng loạt lĩnh vực đi theo thoát khỏi cảnh tê liệt.
Lãi suất cho vay mặc dù có giảm nhẹ về 12%-14% nhờ các chính sách mới của ngân hàng nhà nước, tuy nhiên doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khăn để tiếp cận các kênh huy động vốn…
Theo ông Nguyễn Văn Đính, lãi suất cho vay dưới mức 10%/năm mới là phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có nhìn nhận đúng đối với phân khúc lớn và có vai trò quan trọng hiện nay là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Phân khúc này chưa được quan tâm đúng mức, hiện rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn vì không phải đối tượng ưu tiên.
Trong khi phân khúc này vẫn có vai trò quan trọng tạo hạ tầng dịch vụ cho du lịch phát triển, là kênh đầu tư hấp dẫn, được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.