Trong bối cảnh cả nước đang phải chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, Nhà nước và các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, miễn và giảm giá thuê mặt bằng đang là một giải pháp hữu hiệu giúp đỡ các doanh nghiệp trong thời kỳ này.
Theo báo cáo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với 1.200 doanh nghiệp, có 26,2% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% doanh nghiệp mất từ 20 - 50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. Hậu quả là điều đã thấy rõ, lợi nhuận ở hầu hết các ngành đều sụt giảm ngay cả với những “ông lớn” tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, tất cả doanh nghiệp đều bị tác động từ đại dịch một cách rõ rệt. Các sự kiện cần sự tập trung đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại…
Tại Hà Nội, theo Cục Thuế Hà Nội, thống kê đối với nhóm hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn cho thấy, số hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng 1 và cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 1 số đơn vị phát sinh hóa đơn là 13.826, với mức tăng doanh thu 5%, thuế phải nộp tăng 4,9% so với cùng kỳ. Nhưng sang tháng 2 chỉ còn 4.281 hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn, giảm 57,4% so với cùng kỳ dẫn đến giảm hơn 53% doanh thu và 50,7% số thuế phải nộp so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào nhóm kinh doanh các lĩnh vực như lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đây, các con phố Hàng Bông, Hàng Gai, Xã Đàn, Tạ Hiện, Nguyễn Hữu Huân… luôn sầm uất, sau dịch Covid-19 cũng trở nên ảm đạm. Nhiều cửa hàng kinh doanh đồng loạt đóng cửa, treo biển "cho thuê nhà". Dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh đồng loạt ế ẩm trong khi chi phí thuê nhà tại các con phố trung tâm Hà Nội thì luôn ở mức “trên trời” nên các chủ cửa hàng trả mặt bằng để cắt lỗ, chuyển sang hình thức bán hàng online để tiết kiệm chi phí, 1 bộ phận thì tạm nghỉ bán hàng hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.
Các cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống, tiêu dùng nhanh sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu không cắt lỗ họ sẽ còn thiệt hại thêm ít nhất 4 - 6 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong thời gian 6 tháng. Nếu không nhìn thấy cơ hội thì phải tạm dừng để giữ lại nguồn vốn.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dù chưa phổ biến nhưng một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động giảm 20 - 30% giá cho thuê so với hồi cuối năm 2019. Trước tình trạng này, nhiều chủ nhà chấp nhận thương lượng lại giá thuê mặt bằng vừa để chia sẻ gánh nặng vừa để tránh lãng phí mặt bằng, vì nếu không thì phải chấp nhận để trống mặt bằng.
Khi các chủ hộ kinh doanh phải chống trọi với muôn vàn thách thức mùa dịch, nhiều doanh nghiệp sở hữu bất động sản cho thuê đã chủ động giảm giá cho thuê mặt bằng để cùng vượt khó. Một chủ doanh nghiệp bất động sản cho thuê lớn cho biết, đã đến lúc giá thuê mặt bằng phải được giảm xuống, chúng ta phải lùi lại một bước để tiến lên nhanh hơn. Nếu ai cũng tạo lợi nhuận cho mình bằng chính khó khăn của người khác thì xã hội sẽ thiệt hại nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, nhất là lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin… Thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian.
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3 đến tháng 6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3 đến tháng 6/2020; được giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn…
Giai đoạn này, lĩnh vực mặt bằng cho thuê đang thiệt hại nhiều mặt vì vừa khó khăn do thị trường chung lại vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để những người kinh doanh lựa chọn địa điểm tốt, vừa ý mà giá lại giảm. Mặt bằng giá mới sẽ thiết lập theo hướng có lợi cho người thuê, chứ không bị làm khó, chỉ được quyền chọn thuê hay không chứ không trả giá như trước.
Tình hình dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Để các doanh nghiệp có thể “gồng mình” qua giai đoạn này, ngoài những chính sách của Nhà nước cũng cần sự chung tay của các chủ nhà, chủ mặt bằng ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội để đất nước ta thực sự “chiến thắng” dịch bệnh.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/ho-tro-giam-gia-thue-mat-bang-cho-doanh-nghiep-mua-dich-covid-19-275510.html