Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của con người, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) còn gây ra tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản trong đó có doanh nghiệp bất động sản và bất động sản du lịch.
Từ tồn kho đến phá sản
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 ngành Kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có gần 700 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể.
Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi vẫn chưa thể hiện đầy đủ những khó khăn, thách thức mà hiện nay thị trường bất động sản phải đối mặt. Trong đó, một thực tế phũ phàng khác đó là hàng trăm nhân viên đang làm việc tại các công ty bất động sản vừa và nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh tiết lộ họ đã bị nợ lương nhiều tháng liền. Ngoại trừ 1 một số doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính đủ mạnh thì không ít doanh nghiệp mới gia nhập thị trường lao đao vì thiếu kinh phí nuôi quân, cạn kiệt kinh phí cho các hoạt động truyền thông.
Trong số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng. Hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.
Thực tế, hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp. Nhưng, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lý nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…), hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Đóng cửa hàng loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc
Dù một số khách sạn, resort cho biết vẫn đang kinh doanh khá ổn bởi lượng khách book dịch vụ đều, thế nhưng, phần “sáng” le lói này dường như không đủ lớn để đẩy lùi khoảng tối “khổng lồ” đang ngày đêm “nuốt” dần những cơ sở khác. Cắt giảm ngày công, nhân sự, cho nghỉ không lương dài hạn, tạm đóng cửa, thông báo ngừng hoạt động, phá sản… là các hướng đi đau nhưng bắt buộc phải thực hiện của nhiều nơi trong tương lai, nếu tình hình dịch bệnh vẫn không được kiểm soát nhanh và kịp thời. Khi thu không đủ bù chi, kinh doanh không có khách nhưng vẫn phải “gánh” hàng trăm thứ chi phí mỗi ngày… có tiền túi cao bằng núi cũng lở nhanh mà cạn kiệt chỉ trong vài tháng.
Điểm nhanh một lượt tình hình các khách sạn tại những trọng điểm du lịch của Việt Nam từ ngày có dịch để thấy, “khủng hoảng” này là chưa từng thấy, thậm chí, không ai từng nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ này.
Tại Hà Nội, từ giảm 50 - 60% giá phòng để hoạt động cầm cự đến buộc đóng cửa vì không doanh thu.
Tính đến ngày 2/3, gần 20.000 lượt khách quốc tế, hơn 19.000 lượt khách nội địa đã hủy tour đến Thủ đô vì lo sợ dịch bệnh Covid-19. Từ đó kéo theo gần 56.000 ngày phòng tại các cơ sở lưu trú bị hủy, số lượng khách đặt phòng hủy tương ứng gần 78.000 lượt. Đáng nói là, nếu tính riêng trong tháng 2, lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội giảm 93,5% - Hàn Quốc giảm 51,4% - Singapore giảm 42,4% - nội địa giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiệt hại về doanh thu du lịch ước tính lên đến hàng tỷ đồng.
Nhiều khách sạn, chuỗi khách sạn lớn đã treo biển giảm giá phòng 50 - 60%, miễn phí dịch vụ, tặng ưu đãi… để hoạt động cầm chừng đợi qua dịch nhưng tình hình chung vẫn không mấy khả quan. Một số doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa một số cơ sở, cho nhân viên nghỉ không lương… vì không thể “cầm cự” tiếp nữa.
Còn tại Nha Trang, Khánh Hòa, có khách sạn đã lỗ 5 tỷ 1 tháng, công suất phòng chỉ đạt 5%; Đà Lạt – có ngày không 1 khách ở, đang xin chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng; Đà Nẵng – 23.000/ 35.000 lao động ngành dịch vụ du lịch mất việc.
Đối với Hội An, sẽ khả quan hơn nếu phục hồi lại thị trường khách tiềm năng. Cập nhật từ phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hội An, hiện bình quân mỗi đêm nơi đây có trên 10.000 khách lưu trú, trong đó, hơn 90% là khách quốc tế, phần lớn là khách Âu; công suất phòng ước đạt gần 50%.
Đặc biệt, các tập đoàn khách sạn lớn cũng không ngoài tầm ảnh hưởng, những ngày qua, hàng loạt tập đoàn, chuỗi khách sạn thông báo tạm ngưng hoạt động nhiều cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống để duy tu - bảo dưỡng và một phần hạn chế tác động từ dịch nCoV.
Đáng nói là, Vinpearl đóng cửa 7 khách sạn, trong đó: 2 khách sạn ở Nha Trang sẽ tạm ngưng hoạt động đến 31/3; 5 cơ sở tại Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc tạm đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Sun Group cũng thông báo đóng cửa công viên châu Á - Sunworld Danang Wonders đến 30/4 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Doanh nghiệp hiện chỉ mở công viên Rồng - Dragon Parks tại Hạ Long vào cuối tuần để phục vụ nhu cầu (có thể có) của du khách. Các công viên, cáp treo đều đã đóng cửa bảo trì hoặc giảm giờ chạy.
Ông Lê Thanh Thản - Chủ nhân của chuỗi Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh thống kê nhanh chỉ trong 3 tháng đầu năm con số thiệt hại lên đến 600 tỷ đồng cho các chi phí duy trì, vận hành, nhân sự, điện nước và khoản đặt cọc booking phải hoàn trả lại cho các đại lý và khách vì lý do bất khả kháng.
Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Vin Group cũng có thông báo giảm giá cho thuê mặt bằng xuống mức kỷ lục, có nơi giảm đến 50% để hỗ trợ cho các đối tác và khách hàng chung tay chia sẻ thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Theo các chuyên gia, tác động của dịch Corona đối với Việt Nam sẽ khó lường hơn do Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc và tốc độ lây lan của dịch bệnh này lớn hơn SARS. Thứ hai là do tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc trong tổng lượng khách quốc tế đang tăng dần qua các năm, chiếm 32% năm 2019 do các hãng hàng không liên tục mở mới các chuyến bay đến các tỉnh Trung Quốc.