• Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà: Không buộc phải công chứng?

Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà: Không buộc phải công chứng?

Ngày cập nhật: 18/11/2014 » Thủ Tục Nhà Đất

Không buộc phải công chứng, chứng thực đối với giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở là một trong những nội dung trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).

Lâu nay, việc mua bán nhà ở nói chung đều phải thông qua công chứng chứng thực bản hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở. Đối với người giao dịch, với người dân, thì đó được coi như một phần tất yếu để đảm bảo hành lang pháp lý.

Thực tế hiện nay, việc xảy ra tranh chấp kiện tụng trong giao dịch mua bán nhà ở là rất dễ xảy ra. Đối với hầu hết người dân, việc mua bán chuyển nhượng nhà ở là một việc lớn. Thế nên có sự chứng thực của cơ quan nhà nước trên bản hợp đồng chuyển nhượng nhà ở, đất đai sẽ giúp họ yên tâm hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Xây Dựng, đối với giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì bản chất là chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ của người mua nhà theo hợp đồng mua bán nhà ở chứ không phải là mua bán nhà ở. Với quan điểm đó, Bộ vừa đưa ra dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) trong đó có điều khoản có nhiều điểm mới, trong đó có điều khoản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở không cần thông qua công chứng. Đây là một điểm mới trong điều luật, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch và giảm bớt các thủ tục hành chính.

Trong đó, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng nếu không làm công chứng hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thì không đủ hành lang pháp lý cho mỗi giao dịch khi có tranh chấp xảy ra. Và lúc đó, những người dân cũng sẽ khó để tìm chỗ dựa pháp lý cho mì

nh.

Trích Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi)

Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

2. Các trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư mà bên bán, bên cho thuê mua là tổ chức; chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là kể từ thời điểm ký kết hợp đồng.

3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

Thanh Mai

Theo Infonet