Ngày 27-8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII đã làm việc với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan về việc thực hiện Luật Nhà ở tại Thủ đô.
Sau hơn 8 năm triển khai Luật Nhà ở năm 2005, Hà Nội đã dành hàng
trăm nghìn mét vuông xây nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo khu
vực đô thị… Riêng nhà ở cho sinh viên, Hà Nội có 10 dự án đã và đang
triển khai trên địa bàn với 362.775m2 sàn xây dựng mới, đáp ứng cho
39.114 học sinh, sinh viên thuê. Hiện nay, 4 dự án đã hoàn thành đưa vào
sử dụng; 6 dự án đã triển khai nhưng đang tạm dừng do thiếu vốn và cơ
chế chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển nhà ở sinh viên hiện chưa
hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia... Về cải tạo, quản lý chung cư cũ, Phó
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết cũng gặp khó khăn
tương tự.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, TP Hà Nội đề
nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Trong đó, có cơ chế
ưu đãi đối với việc cải tạo chung cư cũ; bổ sung chính sách về thuế, tài
chính, tín dụng phù hợp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham
gia phát triển quỹ nhà ở xã hội.
Mặt khác, cũng cần quy định
trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo nhà cho công
nhân, người lao động. Thành phố cũng kiến nghị với Chính phủ và các bộ,
ngành ở TƯ tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để phát triển quỹ nhà ở cho thuê,
thuê mua; rút ngắn thủ tục đầu tư, thủ tục thế chấp tài sản hình thành
trong tương lai; hình thành các quỹ tài chính, tín dụng, quỹ tiết kiệm
nhà ở tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể vay để thuê, mua nhà ở
xã hội. Đặc biệt là cho phép các đối tượng đã ký hợp đồng mua nhà xã
hội cho người thu nhập thấp trước ngày 7-1-2013 được vay từ gói tín dụng
ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Theo Hải Hà
Hà Nội Mới