• Khóc, cười với thuế

Khóc, cười với thuế

Ngày cập nhật: 26/4/2010 » Thủ Tục Nhà Đất

Với thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, người phải đóng thuế “oan” vì không chứng minh được giá vốn, kẻ lại được tính thuế thấp, thậm chí bằng 0.

Thông tư 02 ngày 11-1-2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn rõ trường hợp nào đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 25% trên lợi nhuận, trường hợp nào đóng thuế 2% trên giá chuyển nhượng đã tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS). Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp phải đóng thuế “oan” hoặc lách luật, né thuế để được đóng ít nhất.

6,6 tỉ đồng hay 0 đồng?

Gây sốc nhất là vụ giải quyết một hồ sơ nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS tại một chi cục thuế ở TPHCM mới bị phát hiện. Năm 2007, ông C. và ông D. có hợp đồng đặt cọc (tại phòng công chứng số 3) mua bán nhà với giá hơn 1.691 lượng vàng SJC. Tháng 4-2008, ông C. và ông D. đến Phòng Công chứng số 1 khai trình tổng giá trị nhà, đất chuyển nhượng căn nhà này chỉ 2,5 tỉ đồng và nộp lệ phí trước bạ theo hợp đồng ký tại Phòng Công chứng số 1 (không khai hợp đồng đặt cọc bằng vàng).

Tháng 5-2008, ông C. đến chi cục thuế quận xin nộp bổ sung lệ phí trước bạ cho đủ với số tiền mua thực tế hơn 1.691 lượng vàng (quy ra hơn 30 tỉ đồng). Sau đó, tháng 3-2009, ông C. bán căn nhà trên với giá hơn 29 tỉ đồng. Tính theo thuế suất 25%, ông C. không có lợi nhuận và không phải đóng đồng thuế TNCN nào.

Phòng Thanh tra nội bộ Cục Thuế TPHCM cho rằng: Theo luật, việc chi cục thuế chấp nhận cho ông C. khai bổ sung lệ phí trước bạ là không đúng vì đó chỉ là hợp đồng đặt cọc. Ngoài ra, chỉ có ông C. kê khai giá mua tương đương 1.691 lượng vàng mà không có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nên trong trường hợp này phải xác định giá mua trước đó là 2,5 tỉ đồng. Vì vậy, tổng số thuế do Phòng Thanh tra nội bộ Cục Thuế xác định lên đến 6,6 tỉ đồng.

Mới đây, qua thanh tra nội bộ các chi cục thuế, Phòng Thanh tra nội bộ Cục Thuế TPHCM đã phát hiện nhiều trường hợp “có vấn đề” khác. Ví dụ: Ngày 13-10-2009, ông A kê khai chuyển nhượng 4 BĐS (đều được ký chuyển nhượng bằng một hợp đồng công chứng, ký thi công chung hợp đồng giao nhận thầu xây lắp công trình) nhưng không cung cấp hóa đơn, chứng từ thể hiện chi phí liên quan.

Chi cục thuế nơi tiếp nhận hồ sơ áp thuế 25% trên lợi nhuận cho 3 BĐS, thuế suất 2% trên giá bán cho một BĐS và tổng số thuế thu được chỉ hơn 833 triệu đồng.

Theo lý giải của chi cục thuế này, việc tính thuế 25% đối với 3 BĐS là do người nộp thuế kê khai và cung cấp hồ sơ gồm hợp đồng mua bán, lệ phí trước bạ đã nộp và tự xác định... không phát sinh chi phí khác. Ở BĐS thứ 4, người nộp thuế kê khai có phát sinh sửa chữa, nâng cấp, cải tạo BĐS nhưng không cung cấp hóa đơn, chứng từ nên áp thuế 2%.

Theo Phòng Thanh tra nội bộ Cục Thuế TPHCM, trường hợp này không đủ cơ sở để xác định giá vốn của 4 BĐS nên phải áp thuế TNCN 2% trên giá bán thực tế. Trong trường hợp này, tổng số thuế phải nộp là hơn 1,6 tỉ đồng chứ không phải 833 triệu đồng...

Cần sớm điều chỉnh

Quyết định áp thuế, cách giải quyết hồ sơ nộp thuế trong những trường hợp kể trên đúng hay sai, có thống nhất với quy định chung của ngành thuế hay chưa, Cục Thuế TPHCM cũng chưa kết luận được. “Trước mắt, chúng tôi lấy ý kiến các phòng, ban có liên quan để tìm ra hướng xử lý chung cho những trường hợp kể trên và các trường hợp tương tự tại TPHCM và sẽ có kiến nghị lên Tổng cục thuế” - một cán bộ Cục Thuế TPHCM cho biết.

Khác với trường hợp trên, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp người dân không bán được nhà hoặc phải chấp nhận đóng thuế cao hoặc “tính cách khác” vì không thể chứng minh được giá gốc. Trong đó, chủ yếu rơi vào những trường hợp nhà đất sang tay nhiều lần và BĐS đã mua – bán từ nhiều năm trước...

Theo một chuyên gia về thuế, những vướng mắc nêu trên chỉ là trường hợp điển hình và còn không ít những hình thức “lách” thuế đã và đang diễn ra. Chính sách thuế mới chưa thực sự sâu sát với thực tiễn cuộc sống thì việc phát sinh kẽ hở, tiêu cực và hậu quả là có sự bất công giữa những người nộp thuế, thất thu ngân sách là điều không tránh khỏi. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi những điểm bất cập trong Luật Thuế TNCN. ?

Nên có lộ trình

Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: Một bộ phận không nhỏ người dân đang sở hữu nhà đất kiểu “sang tay”, không có giấy tờ hợp pháp, người có nhà đất thừa kế, người mua nhà đất cách nay đã lâu, mua nhà đất bằng vàng..., đến nay mặt bằng giá thay đổi nhiều, giá trị tiền, vàng cũng thay đổi nên rất khó xác định lời, lỗ và tính thuế...

Để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, Nhà nước nên thu thuế TNCN theo lộ trình: Trong giai đoạn đầu như hiện nay, chỉ nên áp dụng thống nhất một mức thuế là 2% cho tất cả mọi trường hợp, vài năm sau mới áp dụng thuế suất 25%.



Nhadat24h.net ( Theo NLĐ )