• Việc thu hồi đất canh tác ở HTX Hồng Tiến, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh: Cần sớm giải quyết dứt điể

Việc thu hồi đất canh tác ở HTX Hồng Tiến, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh: Cần sớm giải quyết dứt điể

Ngày cập nhật: 26/5/2011 » Thủ Tục Nhà Đất

Thu hồi toàn bộ đất song người dân không được đền bù, chỉ được hỗ trợ công tu tạo với giá rẻ mạt 12.000 đ/m2; không thực hiện các khoản hỗ trợ như luật định.

61 hộ dân với 360 khẩu ở xã Hồng Tiến chưa biết sinh sống ra sao?...

HTX Hồng Tiến thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được thành lập năm 1960, sản xuất chủ yếu là trồng rau xanh và nuôi, trồng thuỷ, hải sản.

Sau đợt thu hồi 4,6 ha đất nông nghiệp đầu năm 2003, HTX Hồng Tiến còn lại 4,6 ha đất đầm ao đã chia cho 61 hộ xã viên mỗi hộ 860 m2. Trước kia khu đầm hồ này là vùng "khỉ ho, cò gáy". Từ ngày xây cầu Bãi Cháy bỗng dưng trở thành "vùng đất vàng". Ngày 9-7-2008, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định số 2179/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết "Xây dựng khu vực đầm thuỷ sản Yết Kiêu và nút giao thông Lê Lợi tại phường Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo thành phố Hạ Long". Ngày 13-1-2009 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 142/QĐ-UB về việc thu hồi 52.000 m2 đất giao cho UBND thành phố Hạ Long thực hiện dự án Xây dựng khu vực đầm thuỷ sản Yết Kiêu và nút giao thông Lê Lợi tại phường Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo thành phố Hạ Long. Toàn bộ số đất thu hồi trên thuộc đất đầm hồ của 61 hộ xã viên HTX Hồng Tiến đang quản lí sử dụng và cũng là vốn liếng tài sản cuối cùng của HTX. Lợi dụng công trình cải tạo nút giao thông để xen vào trên 3.000 m2 đất ở được gọi là đấu giá cho 40 hộ làm nhà tới 5 tầng được thể hiện bằng Quyết định số 2179/QĐ-UB. Khi các hộ chất vấn việc "đan chen này" thì chính quyền thành phố Hạ Long trả lời rằng: "Để lấy mỡ nó rán nó". UBND thành phố Hạ Long cũng chính là chủ đầu tư dự án, khi tính chuyện đền bù đất lại cho rằng đây là loại đất công ích do Nhà nước giao cho HTX sử dụng chung nên không đền bù cho từng hộ xã viên có đất mà vận dụng Quyết định số 1222/QĐ-UBND ngày 20-4-2005 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định về hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất nông nghiệp sử dụng chung của nông, lâm trường với mức 30% giá trị đất thu hồi theo đơn giá đất nông nghiệp (40.000 đồng /m2) để trả cho các xã viên đã đầu tư cải tạo đầm lầy, ao hồ trở thành đất “vàng” như hiện nay.

Luật sư - Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy đang bồi dưỡng trình độ pháp lí
 cho 61 hộ xã viên HTX Hồng Tiến.
Tại cuộc đối thoại trong các ngày 23-10-2009 và 22-12-2009 giữa Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long với các hộ xã viên HTX Hồng Tiến thì cái lí mà UBND thành phố Hạ Long dựa vào để trốn tránh đền bù cho 61 hộ xã viên được hưởng 100% theo giá đất nông nghiệp bị thu hồi theo Nghị định 69 ngày 13-8-2009 của Chính phủ là toàn bộ đất đầm hồ này có nguồn gốc là đất mương máng tưới tiêu thoát nước kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản do Nhà nước giao cho HTX quản lí, sử dụng. Khi các hộ xã viên yêu cầu UBND đưa ra quyết định giao đất thì UBND chỉ đưa ra Thông báo số 26/TB-UB của UBND Thị xã Hồng Gai về cuộc họp xem xét đề án tiêu thoát nước khu dân cư phục vụ sản xuất nông nghiệp của HTX Hồng Tiến và đóng dấu, xác nhận luận chứng kinh tế thành lập tổ hợp nuôi trồng thuỷ sản khu ao cá HTX Hồng Tiến (Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định những văn bản trên có giá trị). Từ năm 1967, HTX đã được UBND thị xã Hồng Gai phê duyệt công nhận là “ao cá Bác Hồ”. Đất ao này được thể hiện trên Bản đồ địa chính năm 1989; thể hiện trong Sổ mục kê; hoá đơn nộp thuế đất; Biên bản chia đất theo NQ 10; sổ của các hộ xã viên từng quý, từng năm nộp tiền cho HTX để HTX nộp thuế… nhưng Chính quyền chỉ chấp nhận hỗ trợ cho HTX 30% của giá đất (40.000đ/m2) với số tiền tổng cộng là 516 triệu đồng. 61 hộ xã viên liên tục làm đơn khiếu nại.

Trong văn bản gửi Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh, luật sư Ngô Tất Hữu, trưởng VPLS Thủ Đô và tiến sĩ, luật sư Phan Thị Hương Thuỷ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Long người đang tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 61 hộ dân HTX Hồng Tiến cho rằng: Về nguồn gốc 4,6 ha đất đầm hồ kể trên là đất do các xã viên tự khai hoang, tôn tạo từ năm 1960 nên theo Luật Đất đai 1993 và 2003 thì Nhà nước khi thu hồi phải đền bù đất cho người có đất, cụ thể là cho 61 hộ xã viên đang sử dụng đất. Theo khoản 3, Điều 39 Luật Đất đai 2003; các khoản 5, 6 Điều 8 về điều kiện được đền bù đất trong NĐ 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì tuy chưa có GCNQSDĐ nhưng người sử dụng đất đã có đầy đủ hoá đơn nộp thuế, bản đồ địa chính, sổ mục kê… nên thuộc đối tượng được đền bù Theo Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 thì 61 hộ dân phải được đền bù 100% giá trị đất, đồng thời phải được Chủ đầu tư thực hiện hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm v.v... UBND thành phố Hạ Long là Chủ đầu tư dự án thu hồi 4,6 ha đất của HTX nhưng không bồi thường cho 61 hộ xã viên cũng như không thực hiện các khoản hỗ trợ mà chỉ trả công tu tạo đất bằng 30% giá trị đất với đơn giá 40.000 đồng/m2… là trái với các quy định của Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ.

Ngày 30-10-2009, UBND thành phố Hạ Long ra quyết định cưỡng chế. Do chưa nhận được quyết định nên người dân phản ứng, chính quyền bắt giữ bảy người, tạm giam tại trụ sở UBND phường Yết Kiêu, cưỡng chế lấy đất ngày 30-10-2009, song mãi đến ngày 6-11-2009, HTX Hồng Tiến mới nhận được Quyết định cưỡng chế . Việc xây dựng, tôn tạo đường sá cũng như hồ nước đã cơ bản hoàn thành; 40 suất đất làm đất ở cho 40 hộ xây nhà 5 tầng đã hình thành… nhưng 61 hộ xã viên vẫn chưa nhận được tiền đền bù theo quy định của pháp luật và những khiếu nại kêu cứu của người dân vẫn chưa được các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm nên chưa thể làm thủ tục giải thể HTX được, xã viên đành phải ăn đợi năm chờ gần 2 năm nay. Thực hiện theo Luật, 61 hộ dân đã khiếu nại lần 1 lên UBND thành phố Hạ Long, UBND thành phố Hạ Long đã ra tới 61 quyết định giải quyết khiếu nại bác toàn bộ yêu cầu của 61 hộ dân. Không chấp nhận quyết định này, từ tháng 3-2011 họ tiếp tục khiếu nại lần 2 lên UBND tỉnh Quảng Ninh hi vọng được giải quyết khách quan và đúng pháp luật. Nhưng đến nay đã quá 60 ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa giải quyết, Nếu việc giải quyết khiếu nại lần 2 không được thoả mãn hoặc UBND tỉnh không giải quyết theo quy định của Luật Tố tụng hành chính họ có quyền khởi kiện UBND thành phố Hạ Long ra Toà án hành chính. (Còn nữa)

                                                                  Nhadat24h.net (Theo: nguoicaotuoi.org.vn)