Với mỗi gia đình Việt, bài trí, lau dọn bàn thờ ngày Tết thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, may mắn, nhiều tài lộc.
Trước khi bước sang năm mới, các gia đình thường có một nghi thức rất quan trọng đó là bài trí bàn thờ. Đây là dịp để gia chủ lau dọn, sửa soạn lễ vật, chuẩn bị đón Tết.
Nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Xuân Cường chia sẻ một số lưu ý khi bài trí bàn thờ mà các gia đình có thể tham khảo.
Không dịch chuyển bát hương sai vị trí
Cuối năm, các gia đình đều lau dọn bàn thờ sạch sẽ để tiến hành bài trí đón Tết. Theo nhà phong thủy, không nên tùy tiện di chuyển bát hương. Nếu bát hương bị di chuyển sang hướng xấu, thậm chí có thể gây ra xui xẻo cho gia chủ.\
Những ngày giáp Tết Nguyên đán là dịp người dân lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đón năm mới. Ảnh: Phạm Thắng.
Cần lưu ý, sau khi rút chân hương, chúng ta không nên cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài. Bởi theo quan niệm của người xưa, cách làm này rất dễ gây tán tài, tán lộc. Chúng ta nên dùng chiếc thìa nhỏ, xúc từng thìa tàn hương đổ ra ngoài.
Khi lau dọn, các gia đình nên dùng một chiếc khăn mới, lau từ cao xuống thấp. Nước lau là rượu có thêm nhánh gừng đập dập.
Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ trong mỗi gia đình dịp Tết. Vào khoảng 28, 29 tháng Chạp, sau khi lau dọn nơi thờ cúng tổ tiên, các gia đình bắt đầu bày biện mâm ngũ quả, trang trí đẹp mắt để đặt lên bàn thờ.
Tùy theo vùng miền, sẽ chọn các loại quả khác nhau, miền Bắc thường gồm chuối, cam, phật thủ, bưởi, đào, hồng, ớt... Mỗi loại tượng trưng một ước nguyện của gia chủ, đảm bảo sắc trắng, xanh, vàng, đen, hồng.
Với người miền Bắc, nải chuối xanh được đặt dưới cùng tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, bao bọc và che chở lẫn nhau. Tuy nhiên, loại trái cây này lại không hề xuất hiện trong mâm ngũ quả của người phương Nam. Họ cho rằng chuối gắn liền với việc thất bại trong làm ăn. Quan niệm xuất phát từ cách phát âm của quả chuối theo giọng người miền Nam là "chúi", gần nghĩa với "chúi nhủi", chỉ việc làm ăn khó phất lên
Nhiều gia đình chọn cách bày mâm ngũ quả theo phong thủy với quan niệm đón thêm tài lộc trong năm mới. Ảnh: Việt Linh.
Người miền Nam thường chuẩn bị 5 loại trái cây là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm "cầu sung vừa đủ xài". Cam, quýt gắn liền với quan niệm "quýt làm cam chịu", mang ý nghĩa lam lũ, vất vả, nên cũng không được bày trong ngày Tết.
Trong khi đó, người miền Trung quan trọng tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên và hầu như không kiêng kỵ loại quả nào, kể cả về hương vị, màu sắc lẫn tên gọi trong mâm ngũ quả. Mâm quả thường bao gồm thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, dứa, táo, cam, lê, mãng cầu... Cách bài trí đơn giản, không quá cầu kỳ, qua đó cũng thể hiện phần nào tính cách chân chất của người dân nơi đây.
Không bày hoa giả, trái cây giả lên bàn thờ
Nhiều gia đình thường có thói quen bày hoa giả trên bàn thờ vì vừa tiết kiệm chi phí, không phải mất công thay nước.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Cường cho rằng không nên bày hoa nhựa, hay đèn điện nhấp nháy trên bàn thờ. Khi con cháu bày hoa quả thật sẽ thể hiện được sự trân trọng, thành kính với tổ tiên.
Nên dùng hoa tươi, quả tươi để bày trên bàn thờ dịp Tết. Ảnh: Việt Linh.
Ngoài ra, chúng ta nên dùng hoa tươi để bày trên bàn thờ, chọn các loại có tên đẹp, hương thơm dễ chịu. Những loại hoa tươi nên dùng như là hoa huệ, hoa cúc vàng, hoa mai, hoa đào vừa đẹp, tươi lâu, mang lại không khí Tết.
Theo quan niệm truyền thống, một số loại hoa cũng không nên cắm trên bàn thờ ngày Tết như hoa ly, hoa lan, hoa loa kèn. Cũng theo giáo sư Nguyễn Xuân Cường, để thể hiện sự thành kính với tổ tiên, gia chủ không được mang hoa dại mọc ven đường bày biện lên bàn thờ.
Theo báo xây dựng