Hiện nay, những gia đình ở chung cư thường phân vân chọn ban thờ khi dọn về nhà mới. Mỗi loại ban thờ đều có ưu và nhược điểm riêng. Nên chọn loại nào cho phù hợp?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Trước đây, các gia đình cán bộ công chức ở thành phố thường được chia một gian nhà cấp 4, nhà cửa chật chội và điều kiện kinh tế hạn hẹp nên thường đặt bát hương trên nóc tủ đứng đựng quần áo. Ngày nay, kinh tế khấm khá hơn, các gia đình đều sắm ban thờ chuyên biệt, vừa trang trọng, vừa tôn kính. Tuy nhiên, chọn loại ban thờ nào cho phù hợp cần căn cứ cụ thể vào diện tích căn hộ và tài chính của mỗi gia đình.
Hiện nay, có ba loại ban thờ chủ yếu được các gia đình thành phố hay sử dụng, đó là tủ thờ, bàn thờ đứng và ban thờ gắn tường. Mỗi loại có ưu và nhược điểm riêng: Tủ thờ được đóng kín, có cánh cửa đóng mở được ở phía trước. Bát hương và đồ thờ, lễ vật bày biện bên trên. Trong tủ thường chia thành nhiều ngăn để đựng đồ thờ cúng. Tủ thờ có ưu điểm là tạo sự tôn nghiêm, cảm giác vững chãi; đồ thờ cúng có thể cất bên trong nên gọn gàng. Tuy nhiên có nhược điểm là chiếm nhiều không gian, nặng nề; chỉ thích hợp với gia đình có gian thờ cúng riêng hoặc căn hộ rộng rãi. Nhược điểm nữa của tủ thờ là khi đóng mở, nếu cánh cửa bị kẹt hoặc quá khít có thể làm rung ban thờ. Điều này là không tốt vì ban thờ cần tĩnh, nếu bị rung sẽ chấn động đến thần linh và bị tán khí.
Bàn thờ đứng được đóng như chiếc bàn, có 4 chân; kê trực tiếp trên nền nhà hoặc mặt sàn nhà. Đồ thờ cúng bày biện trên mặt bàn; phía dưới để trống, không bưng kín như tủ thờ. Đây là loại ban thờ phổ biến nhất vì sự tiện lợi, chắc chắn nhưng thanh thoát, không nặng nề như tủ thờ. Bàn thờ loại này không bị chấn động như tủ thờ khi đóng mở, nhưng loại ban thờ này không có hộc tủ nên đồ thờ cúng chưa dùng đến không có chỗ cất giữ có thể gây bừa bộn. Tuy nhiên loại ban thờ này cũng có thể có một số ngăn kéo để cất giữ những đồ gọn nhẹ; hoặc được chế tạo thêm mặt bàn phụ kéo ra đẩy vào được để bày đồ cúng khi cần.
Ban thờ treo tường không kê trực tiếp trên mặt sàn mà gắn trên tường. Ưu điểm của loại ban thờ này là không chiếm chỗ trên mặt sàn, tiết kiệm không gian. Để tiết kiệm không gian nên ban thờ thường được gắn cao quá đầu người, điều này bất tiện khi thắp hương hay cúng lễ. Mặt khác, ban thờ loại này thường chịu tải kém và không thể đóng quá rộng nên hạn chế việc bày biện đồ lễ và thờ cúng. Lại do gắn ban thờ cao nên thường sát trần, vì vậy khi thắp hương thường bị ám khói lên trần nhà.
Mỗi loại ban thờ đều có mặt tiện lợi và bất tiện riêng; tùy theo điều kiện tài chính và không gian ở để chọn mua cho phù hợp. Nếu căn hộ có gian thờ riêng thì có thể mua tủ thờ. Hoặc nếu không có gian thờ riêng nhưng căn hộ rộng cũng có thể mua bàn thờ đứng, sau đó tạo không gian thờ cúng bằng các vách ngăn.
Trường hợp căn hộ diện tích nhỏ, tốt nhất là mua ban thờ gắn tường. Lưu ý: Khi vào nhà mới thì nên chuẩn bị sẵn ban thờ, để nhập trạch làm lễ được ngay. Không nên treo ban thờ trên lối đi lại, không treo ban thờ phía trên cửa ra vào hay cửa sổ. Khi gắn ban thờ cần bảo đảm chắc chắn. Không bày quá nhiều đồ thờ cúng hoặc đồ lễ trên ban thờ vì có thể gây sập ban thờ. Một điều cần lưu ý khác nữa là gia chủ nên mua thang ghế hoặc ghế cao thật chắc chắn để đứng thắp hương. Khi bày đồ lễ nên có hai người, một người đứng trên thang hoặc ghế để bày đồ cúng, một người đứng dưới chuyển đồ lễ lên; tránh vừa bưng đồ lễ vừa bước lên ghế, dễ sảy chân. Có thể gắn một tấm gỗ hoặc kính ốp vào trần phía trên để tránh khói hương ám lên trần.
Nhadat24h.net - Theo báo xây dựng