Thị trường bất động sản đã trải qua thời điểm vô cùng khó khăn bởi dịch bệnh, tuy nhiên đến nay với sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dần bắt đầu tháo gỡ những nút thắt quan trọng.
Mới đây, ngày 6/5 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất;
Thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Cùng với đó là việc quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm Thường trực Hội đồng;
Lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp UBND cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.
Đáng chú ý hơn nữa, gần đây, Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định số 850/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Nghị quyết 98 của Quốc hội được thông qua tháng 6/2023, cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm hơn 40 chính sách đặc thù trong 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.
Với những cơ chế, chính sách đang dần được tháo gỡ, thì việc các tổ chức tín dụng đưa ra những giải pháp hỗ trợ là điều cần thiết.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên, qua báo cáo của Hiệp hội, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới để hỗ trợ nền kinh tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm.
Ngay sau đó, các tổ chức hội viên tham dự đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%;
Đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.