• Giá thuê đất leo cao, leo nhanh: Lo

Giá thuê đất leo cao, leo nhanh: Lo "đại bàng" chạy, cần có "lệnh" hãm tăng

Ngày cập nhật: 17/12/2020 » Thiết kế nhà đẹp

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE cho rằng cần có biện pháp "hãm" đà tăng giá thuê đất khu công nghiệp. Bởi việc tăng giá đất quá nhanh sẽ khiến Việt Nam giảm hấp dẫn trong cuộc đua hút vốn ngoại.

Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những lựa chọn được nhắm tới.

Đừng để giá thuê đất tăng vù vù

Dữ liệu từ báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam 2020 mới đây của Savills cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những lựa chọn được nhắm tới.

Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, một số nhà sản xuất đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng, di chuyển sản xuất đến Việt Nam, điển hình như các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; và Lenovo từ Hồng Kông.

Trao đổi với PV Nhà báo và Công Luận, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực FDI - cho rằng cơ hội của Việt Nam trong "cuộc đua" hút vốn dịch chuyển là rất lớn. Theo đó, ông nhấn mạnh đến một loạt yếu tố quan trọng cần lưu ý nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

"Chúng ta có rất nhiều "đối thủ". Muốn cạnh tranh được thì phải có ưu đãi tốt hơn họ, thủ tục đơn giản hơn. Và quan trọng là giá thuê đất, thuê nhân công phải thực sự cạnh tranh", ông Mại nói.

GS. Nguyễn Mại cho biết, tiền thuê đất của Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng một nửa của Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc)... Bên cạnh đó, giá nhân công cũng thấp hơn Trung Quốc song lại cao hơn các "đối thủ" như Indonesia, Ấn Độ.

"Cần phải có chính sách để ổn định giá nhân công. Đặc biệt không thể để giá thuê đất tại các khu công nghiệp tăng vù vù. Nếu cứ lên giá "chóng mặt" thì nhà đầu tư sẽ nản, không muốn vào nữa", ông Mại nhấn mạnh.

Về các ưu đãi, thủ tục để thu hút dòng dòng dịch chuyển, ông Mại cho rằng các bộ ban ngành cần sớm có những nghiên cứu, xem xét chính sách các nước như Indonesia, Ấn Độ họ đang thu hút như thế nào để có các giải pháp tốt hơn, nhanh hơn. "Ưu đãi, thuế rất quan trọng nhưng đối với các nhà đầu tư, thời gian quan trọng hơn. Nhà máy họ chuyển sang mà 6 tháng chưa hoạt động được thì rất khó", ông Mại cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia, chúng ta nên coi trọng, chú tâm để thu hút có chọn lọc các dự án tốt trong chuỗi cung ứng đang dịch chuyển, tuy nhiên cũng đừng đặt kỳ vọng quá lớn lao.

Bởi "đối thủ" trong cuộc đua này là những quốc gia có lợi thế so sánh rất lớn. Trong đó, bản thân thị trường Trung Quốc với quy mô rất lớn là "miếng bánh" nhiều doanh nghiệp không muốn bỏ.

"Chỉ một phần nhỏ, tôi cho là khoảng 3-5%, thấy kinh doanh ở thị trường Trung Quốc đang khó khăn, chi phí cao. Hiện tổng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc khoảng 2.000 tỷ USD, chỉ 5% cũng đã là 100 tỷ USD, không hề ít. Năm ngoái, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng chỉ hơn 20 tỷ USD", ông Mại nói.

Nhà đầu tư cần đất sạch, giá ổn định

GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh thêm, nhà đầu tư bao giờ cũng cần đất sạch. Hãy cho nhà đầu tư biết chúng ta có hơn 300 khu công nghiệp, khu kinh tế có đầy đủ cơ sở hạ tầng, đủ điện, nước, giao thông, có đất sạch, giá đất ổn định, chỉ bằng một nửa ở Thượng Hải, Bắc Kinh và sẽ không tăng giá đất.

"Tôi cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên "lệnh" không được ai tăng giá đất trong thời điểm này", ông Nguyễn Mại nói.

Vấn đề giá đất khu công nghiệp mà GS. Nguyễn Mại đề cập ở trên cũng được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm thời gian qua. Một loạt các báo cáo đều chỉ ra mức độ tăng giá của các khu công nghiệp trước làn sóng dịch chuyển FDI.

Ông John Campbell - Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, tại một số địa điểm hoặc một số tỉnh, việc tăng giá thuê đất có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy. Nếu giá thuê đất cao hơn trung bình, đây sẽ là một vấn đề.

"Cũng có nhiều nhà đầu tư có giá trị cao như điện tử, công nghệ cao, họ lo ngại về giá thuê đất. Trong khi Việt Nam đang cố gắng thu hút nhiều nhà đầu tư với các khoản đầu tư giá trị cao", ông John Campbell nói.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, trong quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỷ lệ lấp bình quân trên 80%, riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ này đã đạt trên 90%.

Đáng lứu ý, mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai và Long An tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại miền Bắc, giá thuê của một số khu công ngiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương tăng từ 20% đến 30% so với năm trước.

Đây là những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản công nghiệp thông qua sự dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư ngoại vào các khu công nghiệp của nước ta với tỉ lệ lấp đầy ngày càng cao, tuy nhiên nó cũng dấy lên quan ngại khi giá đất ngày càng một tăng cao.

Trước phản ánh giá thuê đất khu công nghiệp tăng nhanh chóng, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xử lý kịp thời các vướng mắc, phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp giải quyết.

Theo báo xây dựng