• Bỏ - không bỏ công chứng nhà đất: Nghiên cứu tiếp

Bỏ - không bỏ công chứng nhà đất: Nghiên cứu tiếp

Ngày cập nhật: 15/6/2011 » Thủ Tục Nhà Đất

Bộ Xây dựng tuy đề xuất việc bỏ thủ tục công chứng giao dịch nhà đất nhưng bộc lộ băn khoăn: Liệu cơ quan đăng bộ có đủ sức làm?


Hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau tại cuộc họp lấy ý kiến đại diện các bộ, ngành và một số đơn vị, tổ chức có liên quan về phương án bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với giao dịch nhà đất. Cuộc họp này do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tổ chức vào ngày 14-6.

Bộ Tư pháp: Tòa sẽ gánh nặng lớn

Đại diện Bộ Tư Pháp, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, không đồng tình với nhận định của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ). Cục này cho rằng: Trong quá trình triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, “thay đổi thói quen của người dân về việc không yêu cầu bắt buộc công chứng là quá trình khó khăn vì yêu cầu công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng về nhà ở và quyền sử dụng đất đã tồn tại khá lâu, đã hình thành thói quen trong đời sống người dân”. Bà Yến nói: “Nếu quan điểm như vậy là chúng ta đã đi ngược lại thông lệ thế giới. Thế giới phải mất rất nhiều năm mới xây dựng được thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp (trong đó có công chứng) để công dân bảo vệ quyền lợi của mình”.

Cũng theo bà Yến, “quay lại thời giao dịch bằng giấy viết tay, tòa án sẽ chịu gánh nặng rất lớn”. Trước ý kiến cho rằng tòa hiện không thừa nhận văn bản công chứng mà thừa nhận hợp đồng viết tay, bà Yến cho rằng theo Luật Công chứng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ không phải chứng minh. Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy các hợp đồng, kể cả hợp đồng đã được công chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp bình thường, tòa phải thừa nhận văn bản công chứng có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh trước khi tòa thấy văn bản này không hợp pháp và tuyên hủy. “Hai vấn đề khác hẳn nhau” - bà Yến nói.

Người dân đang làm thủ tục công chứng về nhà đất tại Văn phòng Công chứng Sài Gòn, TP.HCM. Ảnh: HTD

Cũng theo bà Yến, “Công chứng có ngăn chặn hoàn toàn các rủi ro không? Xin thưa là không, không có thiết chế nào làm được việc như thế nhưng rõ ràng có công chứng thì hạn chế được nhiều rủi ro... Còn làm sao để nâng cao chất lượng công chứng lại là câu chuyện khác”.

Bà Yến nêu quan điểm: Cần có thêm những cuộc tham vấn toàn diện hơn, kể cả người dân, cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án, trọng tài), UBND… trước khi trình một giải pháp toàn diện xin ý kiến Chính phủ.

Bộ TN&MT: Chẳng ảnh hưởng gì!

Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nói: “Chúng tôi thấy rằng việc bãi bỏ thủ tục công chứng chỉ làm tăng thêm trách nhiệm của cơ quan đăng ký. Anh đăng ký về nội dung, anh phải chịu trách nhiệm về việc giao dịch đó có hợp pháp hay không, chủ thể có quyền hay không có quyền để thực hiện các giao dịch. Đã tăng trách nhiệm của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (cơ quan đăng bộ) thì không làm tăng rủi ro” - vị này khẳng định.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cũng nói với việc bãi bỏ này, văn phòng đăng ký không gặp khó khăn gì, kể cả việc tác động đến chức năng, nhiệm vụ, bộ máy. Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Hải Phòng cũng ủng hộ chủ trương bãi bỏ. Trong khi đó, phó giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Hà Nội lại kiến nghị “cần có lộ trình”. Vị này cho rằng hiện có sự chồng chéo giữa trách nhiệm của công chứng và cơ quan đăng bộ. Nếu bãi bỏ chức năng tư vấn, kiểm tra của công chứng thì cơ quan đăng bộ sẽ mang gánh nặng…

Bộ Xây dựng: Cần có lộ trình

Đại diện đến từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nói: “Chính phủ muốn chuyển từ nghĩa vụ của người dân thành quyền của họ. Vấn đề là chúng ta giải quyết việc này thế nào, thời điểm nào, lộ trình ra sao… Nếu chúng ta cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính mà người dân giảm bớt được rủi ro thì chúng ta nên làm quá đi. Nhưng nếu vẫn bắt buộc thủ tục công chứng mà để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn thì chúng ta cũng phải nghiên cứu”.

Đại diện Bộ Xây dựng đặt câu hỏi: Ba năm qua, hoạt động công chứng có nhiều thành tựu nhưng công chứng hợp đồng, giao dịch nhà và đất đã ổn chưa? “Tất cả các đồng chí chỉ nói vai trò, trách nhiệm mà chưa đưa ra được những con số. Chúng tôi cần những dẫn chứng thuyết phục…”.

Tuy nhiên, vị này cũng băn khoăn, nếu bãi bỏ công chứng thì các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thực hiện được ngay không? Có bất cập gì không? “Không phải cứ bổ sung cán bộ là làm việc ngay được mà ba, bốn năm sau mới làm tốt được. Chúng ta phải có lộ trình để thực hiện cho phù hợp. Chúng tôi sẽ báo cáo xin ý kiến lãnh đạo về vấn đề này”.

Ba giải pháp


Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đưa ra một số giải pháp:

1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện nghĩa vụ và tự bảo vệ quyền của bản thân. Khuyến khích người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa khi tham gia giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất cần tìm đến các tổ chức cung cấp dịch vụ (công chứng, luật sư, trợ giúp pháp lý) để nhờ sự giúp đỡ…


2. Ngoài việc sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và Luật Nhà ở, cần kịp thời nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp…


3. Nâng cao vai trò của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong việc công khai, minh bạch và thực hiện nghiêm túc việc cung cấp các thông tin về nhà ở và quyền sử dụng đất cho người dân cũng như thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở và quyền sử dụng đất.


24 thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu


Để đi đến đề xuất này, đoàn cán bộ gần 200 người của Tổ đề án 30 đã đi khắp cả nước, không phải trao đổi với một giới, mà trao đổi với tất cả các giới, hỏi tất cả người dân chúng tôi gặp, tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo. Để có quyết sách này, 24 thành viên Chính phủ cũng đã bỏ phiếu.


Tư tưởng của chúng tôi là: Công chứng hay không công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản là quyền của người dân, không phải nghĩa vụ. Nếu người dân nói không có nhu cầu thì tại sao chúng ta lại bắt buộc họ? Không bao giờ chúng tôi coi thường vai trò của công chứng trong xã hội chúng ta. Nhưng công chứng muốn người dân tìm đến với mình thì phải cung cấp dịch vụ tốt, chất lượng dịch vụ tăng lên. Công chứng phải tự phát triển, đó là quan điểm của chúng tôi.


Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo Chính phủ những vấn đề khó khăn chúng ta gặp phải…


Ông Nguyễn Văn Lâm,
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính


Theo: cafef.vn