-
Bình Định vừa có thêm một dự án đầu tư của Hàn Quốc trong lĩnh vực may
mặc xuất khẩu. Mặc dù số vốn không lớn, nhưng trong bối cảnh nhà đầu tư
mới vắng vẻ như hiện nay, sự xuất hiện của những cơ sở sản xuất có khả
năng tạo việc làm có thể là một trong những lựa chọn tốt của các tỉnh
nhỏ.
Tuy
nhiên, sự có mặt của dự án này chứa đựng nhiều hơn những tín hiệu bất
an khi ngay 1 tháng trước đó, chính dự án của nhà đầu tư này, là Công ty
TNHH JDW Industries Việt Nam, đã bị UBND tỉnh Bình Định quyết định thu
hồi giấy chứng nhận đầu tư với lý do không thực hiện xây dựng dự án theo
đúng tiến độ cam kết.
Vào
năm 2008, chủ đầu tư này đã thành lập Công ty TNHH Hwarung Việt Nam để
thực hiện dự án may mặc tương tự tại Cụm Công nghiệp Quang Trung, TP.Quy
Nhơn, nhưng cũng đã bị giải thể do không đủ năng lực triển khai.
Trao
đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Bay, Phó giám đốc Trung tâm
xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định), thừa nhận là việc cấp
lại giấy chứng nhân đầu tư cho một dự án vừa bị rút giấy phép không sai
về mặt quy định pháp lý, vì không thể từ chối, nếu chủ đầu tư đảm bảo
được yêu cầu của hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, song tính rủi ro
của dự án này là cao.
“Dự
án này bị rút giấy chứng nhận đầu tư là do chủ đầu tư không có năng lực
để thực hiện chứ không phải khó khăn về đất đai như một số dự án khác,
vì diện tích đất 5 ha mà chủ đầu tư đề nghị đã được cấp từ tháng 1/2010.
Theo tôi, với những trường hợp như vậy cần phải có ràng buộc rất chặt
chẽ về tiến độ, đảm bảo tính khả thi của dự án”, ông Bay trăn trở.
Cái
khó của Bình Định, cũng là của không ít địa phương, trong lựa chọn cũng
như giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài là hướng xử lý các dự án chậm
trễ như thế nào trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mới vào đang rất chậm,
tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không
thuận.
Trong
số 33 dự án FDI còn hiệu lực trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của
Bình Định, chỉ có 2 dự án đã hoàn thành, số còn lại đều đang trong giai
đoạn triển khai, thậm chí là chần chừ đợi triển khai. Hệ quả, nhiều
doanh nghiệp trong nước phải chịu hệ luỵ khi các kế hoạch đầu tư của các
nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện được như cam kết trước đó. Hiện
tại, Khu nhà xưởng cho thuê của Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn thuộc
Saigon Invest Group trong Khu kinh tế Nhơn Hội đang phải treo biển cho
thuê khi đối tác dự kiến trước đó là các dự án điện tử của Tập đoàn
Foxconn (Đài Loan) đã không đầu tư vào đây như dự kiến.
“Việc
thu hồi giấy phép với các dự án đầu tư chậm trễ thực sự không khó,
nhưng trong bối cảnh từ đầu năm đến giờø Khu kinh tế Nhơn Hội chưa tiếp
nhận thêm một nhà đầu nước ngoài nào, cũng là điều phải suy nghĩ. Hiện
tại, chúng tôi đang tiến hành tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, có thể
thế chỗ cho các dự án hiện đang thuộc diện phải rút giấy chứng nhận đầu
tư, nhưng tính khả thi không cao”, ông Dương Ngọc Oanh, Trưởng Phòng
Quản lý đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết.
Theo
ông Oanh, cách xử lý của Ban quản lý là hỗ trợ các dự án, các chủ đầu
tư hiện hữu để tạo thuận lợi tối đa trong triển khai dự án. Thậm chí,
trong một số trường hợp, để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện nhanh các
dự án lọc dầu, nhiệt điện tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Ban quản lý Khu kinh
tế tỉnh Bình Định đang hỗ trợ thủ tục để các nhà đầu tư thành lập công
ty tư vấn, làm nhiệm vụ chuẩn bị cho dự án trước khi tiến hành các thủ
tục cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Theo
báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 5 tháng
đầu năm 2011, tổng vốn đăng ký đầu tư mới và tăng thêm của các nhà đầu
tư nước ngoài vào Việt Nam là 4,688 tỷ USD, chỉ bằng 51,9% so với cùng
kỳ 2010. Số vốn đăng ký mới này vẫn tập trung tại TP.HCM, Hà Nội, Đà
Nẵng, Ninh Thuận. Nhiều địa phương, khu kinh tế, khu công nghiệp không
có thêm nhà đầu tư mới trong 5 tháng qua.
Nhadat24h.net (Theo: baocongthuong.com.vn)