Đại diện Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HOREA) cho biết, quy định về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai có thể sẽ phát sinh một số chi phí mới trong cơ cấu giá thành bất động sản (BĐS) mà người mua phải gánh chịu.
Từ
ngày 1/7/2015 tới đây, Luật Kinh doanh BĐS 2014 sẽ chính thức có hiệu
lực, trong đó có những quy định mới về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê
mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận định rằng quy định mới này có ưu điểm bảo vệ
tuyệt đối, không để phát sinh rủi ro cho người tiêu dùng khi mua, thuê
mua BĐS hình thành trong tương lai nhưng quy định cũng vẫn có nhiều hạn
chế.
Cụ thể, quy định mới này áp dụng cho tất cả các chủ đầu tư dự án bán,
cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, không phân biệt những chủ
đầu tư có uy tín, thương hiệu, có năng lực thật sự, với một số ít
các chủ đầu tư năng lực yếu, không có uy tín, hoặc thậm chí lừa đảo. Đặc
biệt, quy định này có thể làm phát sinh một chi phí mới trong cơ cấu
giá thành BĐS mà người mua nhà hình thành trong tương lai phải gánh
chịu.
Đại diện HOREA đưa ra ví dụ: Với một dự án căn hộ chung cư có 100 căn
hộ, mỗi căn hộ có giá trị 1 tỷ đồng, tổng giá trị của tòa chung cư là
100 tỷ đồng, dự kiến sau 2 năm sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Theo quy định về việc bảo lãnh ngân hàng hiện nay, muốn được ngân
hàng thương mại phát hành chứng thư bảo lãnh có giá trị 100 tỷ đồng thì
chủ đầu tư dự án phải có 100 tỷ đồng đặt vào ngân hàng, nếu không có 100
tỷ đồng tiền mặt thì chủ đầu tư phải có tài sản trị gía gấp khoảng 1,3
lần để làm tài sản bảo đảm thay thế.
"Chủ đầu tư sẽ phải trả mức phí bảo lãnh khoảng 2%/năm, tương đương
với số tiền khoảng 2 tỷ đồng/năm. Chi phí này sẽ được các chủ đầu
tư tính vào giá bán, giá thuê mua nhà mà người mua, thuê mua nhà phải
trả", trong văn bản nêu rõ.
Bên cạnh đó, cũng theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nếu phải ký quỹ tiền mặt
để được ngân hàng bảo lãnh thì chủ đầu tư sẽ lựa chọn cách thức xây dựng
xong nhà mới bán nhằm sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tiết kiệm để trả chi
phí cho nhà thầu xây dựng, các nhà cung cấp vật tư, trang thiết bị theo
tiến độ thực hiện dự án.
Theo đó, Hiệp hội này đưa ra một số kiến nghị Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại đủ năng lực bảo lãnh được thực
hiện bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án BĐS có uy tín thương hiệu, có
năng lực.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính cho thí điểm cho
phép các công ty bảo hiểm có uy tín được thực hiện bảo lãnh trong kinh
doanh BĐS hình thành trong tương lai.
(Theo Bizlive)