• Trảm nhà siêu mỏng, méo vẫn dậm chân tại chỗ

Trảm nhà siêu mỏng, méo vẫn dậm chân tại chỗ

Ngày cập nhật: 21/6/2011 » Thủ Tục Nhà Đất

Đối với người dân thủ đô, nhiều năm nay, việc sống chung với nhà siêu mỏng, siêu méo đã không còn là chuyện lạ.

Nhà siêu mỏng, siêu méo được ví như những vết lở loét của thành phố, làm xấu bộ mặt mỹ quan của thủ đô. Mặc dù có nhiều văn bản, chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý trật tự xây dựng, trảm nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng với quỹ đất chật chội, mỗi tấc đất là một tấc vàng như Hà Nội việc giải quyết thực sự là một vấn đề nhức nhối. Mới đây, Sở Xây dựng yêu cầu các quận, huyện thị xã khẩn trương hoàn thành phê duyệt và triển khai xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, tổng hợp kết quả trước 15/6 để báo cáo TP, tuy nhiên, kết quả dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Hà Nội có 664 nhà siêu mỏng, siêu méo

Đối với người dân thủ đô, nhiều năm nay, việc sống chung với nhà siêu mỏng, siêu méo đã không còn là chuyện lạ. Cứ sau mỗi lần đường được mở giữa khu dân cư, ngay lập tức nhà siêu mỏng, siêu méo lại “tái xuất giang hồ”. Có những công trình tồn tại hàng chục năm, có những kiốt “hiên ngang” án ngữ mặt đường làm xấu bộ mặt đô thị nhưng vẫn không có cách giải quyết. Nhà siêu mỏng, siêu méo đã trở nên quá quen thuộc trên nhiều tuyến đường, ở khắp các quận có dự án hạ tầng như Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân… Việc xử lý xem ra vẫn là “căn bệnh” trầm kha, dai dẳng.

Mới đây, TP đã có công văn yêu cầu các quận, huyện, thị xã báo cáo về tình hình triển khai công tác xử lý các trường hợp nhà đất siêu mỏng siêu méo đang tồn tại dọc theo các tuyến đường. Theo đó, các quận, huyện, thị xã trước 10/6 phải hoàn thành công tác rà soát, thống kê, phân loại, lập và phê duyệt phương án xử lý, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, giám sát. Sở Xây dựng phải tổ chức kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành phê duyệt và triển khai xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo theo thẩm quyền và quy định của pháp luật và tổng hợp kết quả trước 15/6 để báo cáo TP Hà Nội.

Trao đổi với PV, ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã có báo cáo tổng hợp gửi UBND TP. Đến nay các quận, huyện mới chỉ thực hiện được việc thống kê, phân loại đề xuất hướng xử lý vì có phát sinh số liệu mới so với số liệu thời điểm tháng 3/2011 trở về trước. Sở Xây dựng cho biết, do phải tuân thủ các điều kiện đã nêu tại Quyết định số 15 và các tiêu chí về quy chuẩn, cảnh quan để vận dụng lập phương án cho hợp khối công trình nên đã có những trường hợp mới được đưa vào danh sách không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Như vậy, theo số liệu mới nhất, Hà Nội hiện đang có 664 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.

Sở Xây dựng cho biết, hiện nay hầu hết các quận huyện đều đã thực hiện thống kê, phân loại, tuy nhiên chưa có kết quả hợp thửa đất, hợp khối công trình sau thời gian quy định. Đồng thời, các quận huyện cũng chưa thực hiện việc lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Đối với các trường hợp có thể hợp khối công trình, phần lớn các quận huyện cũng chưa thực hiện lập phương án kiến trúc hợp khối gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định như đã hướng dẫn thực hiện.

Loay hoay cách xử lý

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, hiện nay việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên các quận huyện vẫn chưa thực hiện được việc phê duyệt phương án xử lý. Có hai phương án được đưa ra là hợp khối và thu hồi. Với những trường hợp đủ điều kiện để hợp khối cũng khó làm vì người dân không thỏa thuận được với nhau.

Sau khi hợp khối được, ông Hùng cũng lo ngại người dân không thực hiện những buôn bán nhỏ như bán hàng lưu niệm, làm dịch vụ… hoặc không đập đi xây lại tổng thể cho phù hợp với quy hoạch chung. Nếu những hiện tượng như vậy xảy ra, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo chỉ là hình thức, chưa cải thiện được bộ mặt mỹ quan đô thị - mục đích cuối cùng của xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.

“Đối với những trường hợp bị thu hồi, có không ít gia đình hoàn cảnh rất đáng thương, khi đền bù giải phóng đất của dân là đất nông nghiệp, đền bù không được đáng mấy tiền, nay chỉ còn vài mét vuông, chỉ đủ để bán mấy quả ổi, vài cốc nước, con cái nheo nhóc một góc. Nếu lấy đất của họ đi, số tiền TP đền bù không đủ để họ mua một căn hộ dù chỉ rộng 45m2, đây cũng là cái khó.”, ông Hùng cho biết.

Đống Đa là một trong những địa bàn có nhiều nhà siêu mỏng siêu méo nhất với khoảng 75 trường hợp. Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Hồng Việt cho biết, quận đang mời các Sở ban nghành tư vấn, chủ yếu là Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường lấy ý kiến để thống nhất quan điểm sau đó mới duyệt phương án cụ thể. “Quận đang xem xét chỗ nào được thu hồi sử dụng làm vỉa hè, chỗ nào làm kiot. Quyết tâm trong tháng 6, quận sẽ có phương án cụ thể”. Ông Việt cũng cho biết, hiện quận Đống Đa đang trong quá trình triển khai, chưa gặp phải vướng mắc lớn. Tuy nhiên khi thực hiện thu hồi có thể sẽ xảy ra vướng mắc vì không tránh khỏi sự phản ứng của người dân. “Quận thực hiện theo chỉ đạo, vướng mắc đến đâu cũng phải khắc phục, báo cáo thành phố xin chủ trương. Đối với trường hợp gia đình không có nhà khác, phải bố trí tái định cư cho họ ổn định cuộc sống”, ông Việt nói.

TP yêu cầu các quận, huyện phải phê duyệt phương án xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trước 10/6, nhưng đến nay hầu hết công việc “vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Việt biện minh rằng việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là việc rất phức tạp không thể nóng vội, phải được sự đồng thuận của cả trên lẫn dưới mới đem lại hiệu quả.

Việc thu hồi đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, đồng nghĩa với việc phải bố trí nhà, đất tái định cư cho dân. Nhưng việc bố trí nhà tái định cư lại phải trải qua cả một quá trình từ chọn quỹ đất, lập dự án, phê duyệt quy hoạch, ngân sách của TP… Hàng loạt những trở ngại, khó khăn mà phía các cơ quan chính quyền đưa làm cho việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn chưa có một kết quả khả quan.

Theo: cafef.vn