Chi tiết để… dễ thực hiện
Sau khi Chính
phủ ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP (NQ 61) sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số
02/NQ-CP (NQ 02) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, NHNN đang xây dựng Dự thảo
sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2013/TT-NHNN (TT 11) Quy định về cho vay hỗ
trợ nhà ở theo NQ 02.
Một trong những nội dung quan trọng, trên
cơ sở chỉ đạo của NQ 61, Dự thảo sửa đổi TT 11 bổ sung đối tượng vay vốn
là: “Cán bộ công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp có
khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà
ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà (kể cả nhà và đất)
không vượt quá 1.050.000 đồng”. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm
góp ý nhiều nhất của các NHTM.
Đại diện một NHTM cho rằng, khi bổ
sung đối tượng trên, hướng dẫn cho vay cần quy định rõ giá trị hợp đồng
mua bán không vượt quá 1.050.000 đồng là giá đã bao gồm thuế giá trị
gia tăng (VAT) hay chưa. Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho người dân tiếp
cận vốn vay, sửa Thông tư lần này không nên quy định diện tích tối thiểu
dưới 70 m2, và đơn giá dưới 15 triệu đồng/m2, mà khách hàng có thể chọn
BĐS có diện tích nhỏ hơn, đơn giá cao hơn nhưng không quá giá trị hợp
đồng mua bán 1.050.000 đồng.
Các NHTM đề nghị, cần phải có văn
bản hướng dẫn, quy định rõ thế nào là người có thu nhập thấp. “Chúng ta
có thể tham khảo từ Hướng dẫn mua nhà ở xã hội: đối tượng thuộc đối
tượng được mua nhà thu nhập thấp phải có mức thu nhập bình quân hàng
tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường
xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”, đại diện
một NHTM gợi ý.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực
BĐS, việc xác định đối tượng vay có thu nhập thấp rất khó khăn và vướng
mắc trong quá trình triển khai từ khi TT 11 có hiệu lực. Do vậy, dự thảo
sửa Thông tư nên bỏ việc áp dụng cho đối tượng “có thu nhập thấp” nếu
không sẽ tiếp tục bị vướng về khái niệm thu nhập thấp và khó khăn trong
việc triển khai thực hiện.
Băn khoăn “tài sản hình thành trong tương lai”
Dự
thảo sửa TT 11 cũng bổ sung đối tượng: “Cán bộ công chức, viên chức,
lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với
quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới
mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở
của mình”.
Theo quan điểm của một luật sư công tác trong ngành
NH, vấn đề này sẽ liên quan tới thế chấp tài sản hình thành trong tương
lai nhưng chưa được quy định cụ thể trong văn bản pháp lý liên quan. Cụ
thể, theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày
25/4/2014 về Hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
thì: “Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của DN kinh
doanh BĐS trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả tổ chức, cá
nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở) và thế chấp để vay vốn
mua chính nhà ở đó hoặc mua nhà ở khác của DN kinh doanh BĐS trong dự án
đầu tư xây dựng nhà ở”.
Như vậy Thông tư liên tịch nói trên
không áp dụng đối với “việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền
sử dụng hợp pháp của mình để vay vốn tại các TCTD”. Do đó với đối tượng
bổ sung theo Dự thảo sửa đổi TT 11 sẽ có phát sinh vướng mắc khi triển
khai áp dụng trong thực tế và làm khó cho NH khi họ không thực hiện được
đăng ký giao dịch đảm bảo.
“Để triển khai được nội dung này phải
đồng thời bổ sung, chỉnh sửa đối với Thông tư liên tịch hướng dẫn việc
thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì mới có hiệu quả và khả
thi” – Trưởng phòng Pháp chế một NHTM lo ngại.
Trao đổi với phóng
viên TBNH, nhiều ý kiến từ các NH cho rằng, tại Khoản 4: điểm c khoản 2
Điều 2 NQ 61 quy định “NHNN Việt Nam quy định cụ thể mức vốn tối thiểu
của đối tượng này khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”, vì vậy khi
sửa TT 11 đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung điều kiện mức vốn
tối thiểu của đối tượng hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, cải tạo
hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội vào quy định này.
Bên cạnh đó, tại
Khoản 1 Điều 1 NQ 61 quy định: “Sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách
hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm khi vay vốn để mua, thuê,
thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tại các dự án trên
địa bàn”.
Như vậy, chỉ có đối tượng khách hàng là cá nhân vay vốn
để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại mới
được kéo dài thời hạn hưởng lãi suất vay ưu đãi là 15 năm. Việc quy định
cho đối tượng là cá nhân vay để xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở
của mình cần phải nghiên cứu để đưa ra thời gian áp dụng mức lãi suất
ưu đãi là bao nhiêu cho phù hợp.
Ngoài ra, với đối tượng hộ gia
đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội để cho thuê,
cho thuê mua, để bán hướng tới mục đích kinh doanh nhà ở cũng được vay
vốn, cần xem xét hạn chế tổng mức cho vay của các NH đối với các đối
tượng này theo hướng giới hạn một hạn mức cho vay riêng hoặc đặt trong
cùng tổng hạn mức cho vay đối với DN (chiếm 30% nguồn tái cấp vốn hỗ trợ
nhà ở).
Các NHTM và chuyên gia BĐS đánh giá: việc ban hành NQ 61
thể hiện nỗ lực của Chính phủ, NHNN và Bộ Xây dựng về chính sách tháo
gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ
xấu. Nhưng để đảm bảo tính khả thi Thông tư cần có tính đồng bộ và phù
hợp thực tế.
Thống
đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN đang khẩn trương xây dựng sửa
đổi, bổ sung TT 11 và sẽ hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để chỉnh
sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai thời gian vừa qua. |
Theo Hồng Liên