Nhằm tạo một diễn đàn với góc nhìn đa chiều, toàn diện về vấn đề điều chỉnh vốn tín dụng vào bất động sản, một buổi tọa đàm với chủ đề quản tín dụng bất động sản thế nào để đúng và trúng sẽ được tổ chức.
Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội, lĩnh vực nhà đất cũng không ngoại lệ.
Bước sang năm nay, dù có nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản đã dần thích ứng và từng bước có dấu hiệu phục hồi.
Như vậy, có thể thấy, về chủ trương chính sách, quan điểm của Chính phủ, các bộ ngành đều tạo điều kiện cho vay các dự án tốt, hiệu quả, đẩy mạnh nguồn cung đang hạn hẹp trên thị trường bất động sản.
Song vấn đề chủ trương thực hiện ra sao trong quá trình cấp vốn tín dụng là vấn đề lớn quanh câu chuyện làm sao để "đúng" và "trúng" bởi trên thực tế vẫn có những phản ánh từ doanh nghiệp cho thấy khó khăn, bất cập trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Câu chuyện của thị trường hiện nay e ngại nhất đó là "trên bảo dưới không nghe" trong việc thực thi chủ trương, chính sách.
Tuy nhiên, gần đây thị trường bất động sản dấy lên những lo ngại về câu chuyện siết tín dụng vào bất động sản. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, chủ đề siết tín dụng bất động sản được không ít đại biểu đưa ra thảo luận, chất vấn.
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Khi siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy là thị trường sẽ đình trệ và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
"Trong khi đó, mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản và trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật", ông Vân đề nghị cần có giải pháp giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định Chính phủ chỉ điều chỉnh chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Phó Thủ tướng giải thích: Việc này là kiểm tra lại xem cho vay có đảm bảo tiêu chuẩn quy định hay không.
"Hiện nay chúng ta có những điều chỉnh. Nếu trước chưa làm đúng thì làm lại cho đúng, còn làm đúng rồi thì làm tiếp. Chứ không phải siết chặt trong lĩnh vực này. Với những dự án hiệu quả thì vẫn cung cấp vốn để hiệu quả cho nền kinh tế", ông Khái nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn cho các dự án bất động sản hiệu quả vay. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã nêu quan điểm, kiểm soát để tránh rủi ro.
Song cần tạo điều kiện cho vay với các doanh nghiệp có năng lực, có dự án tốt, đầy đủ pháp lý, hiệu quả, đặc biệt ưu tiên cho vay các dự án thương mại nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép.
Nhằm tạo một diễn đàn với những góc nhìn đa chiều, toàn diện về vấn đề trên để đưa ra các giải pháp khơi thông, đảm bảo cho dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản đúng mục đích, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ rủi ro, báo một buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điều chỉnh vốn tín dụng: Thế nào để đúng và trúng?" được tổ chức tới đây.
Nhadat24h.net- theo Dân trí.