Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM nhận định, khoản thu đặc thù của Nghị quyết 54 từ quản lý tài sản công do cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng trên địa bàn TP.HCM chưa thành hiện thực, chủ yếu do tính chất phức tạp cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành.
Đến nay, chưa tạo được dòng tiền vào cho ngân sách cả Trung ương lẫn TP.HCM từ chính sách. Trong khi đó, thành phố đang đứng trước nguy cơ hết room tín dụng, vướng mắc trong khâu huy động vốn vay để có thể triển khai hàng loạt chương trình, dự án đầu tư công trọng điểm cấp thiết sắp tới.
Tại Tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14”, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV, khẳng định, việc khai thác, sử dụng tài sản công trên địa bàn TP.HCM chưa hiệu quả, trong khi đây là nguồn thu rất quan trọng.
Ông dẫn chứng, Đại học quốc gia TP.HCM là đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện mạnh tự chủ đại học, do vậy ngân sách chi thường xuyên ngày càng giảm.
Trường có quỹ đất cả nội thành gồm 3 trường thành viên là: Đại học KH-TN, KH-XH&NV và Đại học Bách Khoa.
Tuy nhiên, cơ chế cho phép đồng khai thác, sử dụng đất tài sản công chưa rõ ràng, kể cả khi trường muốn hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng chưa thực hiện được.
Nếu khai thác hiệu quả tài sản công sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu của trường. Tương tự, khi TP.HCM có thể tận dụng nhà đất công sản sẽ mang lại nguồn lực đáng kể cho địa phương để tái đầu tư vào hạ tầng.
Còn theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, từ hàng chục năm nay, hàng loạt nhà đất công sản để treo là một lãng phí cực lớn. Ai cũng hiểu rằng, địa phương quản lý công sản sẽ hiệu quả hơn vì biết được tài sản đó cần dùng vào việc gì do nằm ngay tại địa bàn.
Dẫu vậy, các cơ quan Trung ương lại muốn nắm giữ nhưng để đó và không thể sử dụng, khai thác hết. Số lượng công sản khá nhiều, phần lớn bỏ không.
GS. Cành đề nghị, để khai thác hiệu quả, tài sản công nằm địa phương nào thì cần giao cho địa phương đó quản lý.
Ví dụ, khi giao nhà đất công sản của Trung ương cho TP.HCM quản lý, sẽ thành lập quỹ để phát triển tài sản nhằm sử dụng có hiệu quả khối tài sản này.
Quỹ sẽ điều tiết thanh toán bù trừ với Bộ Tài chính trong trường hợp các cơ quan đại diện Trung ương muốn thuê mặt bằng hoạt động tại TP.HCM.
“Vì thành phố sử dụng tài sản công làm quỹ nên khi các đơn vị Trung ương cần thuê văn phòng tại TP.HCM thì địa phương sẽ làm việc với Bộ Tài chính để bù hoàn cho chi phí đó. Sau khi nộp về ngân sách Trung ương, nguồn tiền còn lại trong quỹ sẽ phục vụ tái thiết hạ tầng kinh tế-xã hội tại chỗ. Tôi kiến nghị vậy cả chục năm rồi nhưng mãi chưa thực hiện được”, bà Cành nói.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.