Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện và thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó có Chỉ số tiếp cận đất đai.
Trong năm 2021, Chỉ số PCI của Bắc Kạn đạt 62,26 điểm và xếp thứ 48 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020.
Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ số tiếp cận đất đai đạt điểm cao nhất là 7,83 điểm. Đây là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giúp cải thiện môi trường và tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh có đã gia tăng qua từng năm. Trong giai đoạn 2017 – 2021, điểm số tăng lần lượt từ 5,13 lên 7,83.
Đó là kết quả của việc UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI và cải cách các quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Các văn bản quy phạm về đất đai như sửa đổi, bổ sung bảng giá các loại đất (đất nền dự án/ đất nông nghiệp/ đất ở,...)trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… cũng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện, thành phố cũng tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đẩy nhanh công tác định giá đất;
Tăng cường chỉnh lý biến động đất đai; hoàn thiện đo đạc bản đồ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý…
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện xếp hạng Chỉ số PCI trung bình mỗi năm tăng ít nhất 1 bậc. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai sẽ đạt từ 6,5 điểm trở lên vào năm 2025.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp cải cách về đăng ký đất đai, quản lý hành chính về đất đai;
Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Đặc biệt còn một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh kết nối liên thông điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải tăng cường rà soát, tham mưu, đề xuất thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí tài nguyên đất;
UBND các huyện và thành phố công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn lực đất đai, tạo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất.
Công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin về khu đất, quỹ đất sạch bán đấu giá; chủ động tổ chức giải đáp trực tiếp các vướng mắc về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế của thị trường; rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể.
Cục Thuế tỉnh có nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ việc kê khai, nộp thuế trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.