Tại TP.HCM, nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực lớn về nhu cầu xây dựng nhà ở bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là việc xử phạt hành vi vi phạm trật tự xây dựng vốn là vấn đề “nóng.”
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở có nhiều tác động tích cực, khắc phục được sự thiếu đồng bộ giữa Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực lớn về nhu cầu xây dựng nhà ở đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là việc xử phạt hành vi vi phạm trật tự xây dựng vốn là vấn đề “nóng” trên địa bàn.
Cụ thể, Nghị định 139 không giải thích khái niệm “sai thiết kế,” “sai quy hoạch” trong khi thực tiễn người dân xây dựng theo giấy phép xây dựng nhưng quy mô nhỏ hơn giấy phép (thấp tầng, giảm mật độ xây dựng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng). Điều này dẫn tới việc áp dụng Nghị định 139 khó phân định được trường hợp sai phép hay sai quy hoạch.
Một số trường hợp sử dụng container để cải tạo thành nhà ở, văn phòng, cơ sở kinh doanh ăn uống, phòng lưu trú, chòi giữ vườn phục vụ chăn nuôi… cũng khó phân loại đây là “công trình khác” theo Điều 2 Nghị định 139 hay “nhà ở riêng lẻ” để xử lý.
Hơn nữa Nghị định 139 chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực đô thị nhưng lại không quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn, dẫn tới việc áp dụng xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn gặp nhiều khó khăn...
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng công trình được cấp giấy phép xây dựng mới tuy nhiên chủ đầu tư không tháo dỡ công trình cũ để đảm bảo mật độ xây dựng theo giấy phép xây dựng mới được cấp mà xây dựng công trình mới kết nối với phần hiện trạng cũ nhằm tăng diện tích xây dựng, vi phạm mật động xây dựng.
Với các trường hợp này, nếu áp dụng Nghị định 139 rất khó trong việc xử phạt hành vi xây dựng sai phép hay không phép, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình cũ hay không... Cùng một hành vi vi phạm “lấn chiếm không gian” trong quá trình cơi nới, lấn chiếm diện tích nhưng mức xử phạt lại được quy định khác nhau giữa Điều 15 của Nghị định 139 (từ 50-60 triệu đồng) và Điều 66 Nghị định 139 (từ 40-50 triệu đồng).
Về vấn đề áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng không phép, Nghị định 139 quy định thời gian xử lý 60 ngày. Tuy nhiên theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là quãng thời gian dài, cần biện pháp xử lý nhanh, ngăn chặn kịp thời để tránh thiệt hại cho người dân.
Đối với thủ tục tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, Nghị định 139 không quy trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm do Chánh Thanh tra sở Xây dựng ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Đáng chú ý là việc xử lý vi phạm đối với nhà “3 chung” (chung số nhà, chung giấy phép xây dựng và chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều trường hợp người dân xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên lô đất có diện tích lớn, sau đó chia thành nhiều căn để bán theo hình thức “3 chung” với hành vi vi phạm như xây thêm tường ngăn chia thành nhiều căn nhà nhỏ, mở thêm cửa đi, xây dựng thêm cầu thang, thay đổi kiến trúc mặt ngoài...
Để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được quy định, Sở Xây dựng Thánh phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 và Thông báo số 711/TB-VP ngày 16/10/2019 về phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: CTV)
Đồng thời để tháo gỡ vướng mắc cho Ủy ban Nhân dân quận huyện trong lập phương án cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể Ủy ban Nhân dân các quận huyện về thành phần hồ sơ, trình tự tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ phương án cưỡng chế tháo dỡ.
Đối với những vướng mắc, bất cập, phát sinh vượt thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn, xử lý khó khăn để kịp thời xử lý vụ việc trên toàn địa bàn thành phố, đảm bảo lập lại trật tự xây dựng, tạo sự thống nhất trong thực hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong năm 2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra gần 87.500 lượt, phát hiện 1.006 trường hợp vi phạm xây dựng, giảm 65% so với năm 2019.
Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp. Các vi phạm xây dựng sai phép thường gặp là tăng diện tích tại các tầng, xây dựng ban công thành phòng, xây sai thiết kế, sai quy hoạch, thay đổi kiến trúc mặt ngoài làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính của công trình…
Trong khi đó hành vi xây dựng không phép thường gặp là việc xây thêm các hạng mục không có nội dung trong giấy phép xây dựng, sai nội dung đăng ký cải tạo, sửa chữa, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh rạch, xây dựng khi chưa đủ điều kiện khởi công xây dựng.
Báo xây dựng