• Bất động sản công nghiệp: Đón đầu xu thế dịch chuyển

Bất động sản công nghiệp: Đón đầu xu thế dịch chuyển

Ngày cập nhật: 6/7/2020 » Thị trường nhà đất

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Phân khúc BĐS công nghiệp cũng theo đó mà trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

 

bat dong san cong nghiep don dau xu the dich chuyen

Nắm bắt được xu thế này, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô tìm mua BĐS gần các KCN, KCX với nhiều mục đích: sinh sống, kinh doanh hoặc chỉ đơn giản là tích lũy tài sản dài lâu mà vẫn đảm bảo sinh lợi. Đặc biệt tại thị trường phía Nam, phân khúc này đang khá sôi động. Hiện tại, giá chào thuê đất các KCN miền Nam trung bình từ 80 - 300 USD/m2/chu kỳ, tăng gấp 30 - 40% so với 2 - 3 năm trước.

Nhiều DN cũng đã nắm bắt xu thế dịch chuyển của các nhà đầu tư lớn từ các nước khác sang Việt Nam nên đã “đón đầu” với hàng loạt dự án lớn nhỏ. Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Long An cũng lần lượt cho khởi công KCN và đô thị Việt Phát với quy mô lên đến 1.800 ha và giai đoạn 3 của KCN Đức Hòa III - SLICO. Cụm công nghiệp trên địa bàn xã Cần Giuộc với diện tích hơn 260 ha, gồm cụm công nghiệp Phước Vĩnh Đông 1, 2, 3, 4 và cụm công nghiệp Tân Tập cũng đã được phê duyệt chủ trương thành lập… Theo thông tin từ Sở KH&ĐT Long An, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.009 dự án, số vốn 6,15 tỷ USD. Trong tương lai, con số này được dự đoán sẽ tăng bởi Long An dự kiến trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Nam.

Có thể thấy, trong 3 năm trở lại đây, xu hướng đầu tư vào BĐS cận KCN ngày càng trở nên mạnh mẽ với tâm điểm là thị trường vệ tinh giáp ranh Hà Nội và TP.HCM. Đơn cử cho khu vực miền Nam là Long An, Bình Dương, Đồng Nai… với mức tăng giá lên đến 30 - 40%/năm. Tại Hà Nội là các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương…

Đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, với nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao gần đây đã góp phần giúp thị trường BĐS công nghiệp trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các KCN thuộc các tỉnh thành lớn nhanh chóng được lấp đầy trong bối cảnh nhu cầu về phát triển công nghiệp tăng cao. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN tại các tỉnh thành lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80% vào cuối năm 2019.

Nhận định thêm về thị trường BĐS công nghiệp, CBRE Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để xuất khẩu là ngành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, với nhiều nhà đầu tư tên tuổi đáng chú ý khác nhau như Samsung, Pou Chen Group, THACO Group… đã tạo được nhiều dấu ấn lớn. Ảnh hưởng lớn nhất của các nhà đầu tư này là xây dựng cũng như phát triển các trung tâm công nghiệp phụ trợ và cung ứng. Do đó, sự phát triển BĐS công nghiệp sẽ thu hút đông đảo lực lượng lao động và chuyên gia đến làm việc, từ đó phát sinh nhu cầu chỗ ở, kinh doanh, tiện ích,… trong bán kính từ 5 - 15 km.

Còn theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, BĐS công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, BĐS công nghiệp hiện nay nguồn cung chưa đáp ứng nổi cầu. Thực tế, hầu hết các KCN, KCX tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương bị vắt kiệt với hiệu suất sử dụng gần 100%.

BĐS công nghiệp hiện nay nguồn cung chưa đáp ứng nổi cầu. Thực tế, hầu hết các KCN, KCX tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương bị vắt kiệt với hiệu suất sử dụng gần 100%.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-don-dau-xu-the-dich-chuyen-283202.html