Nhiều nhà đầu tư địa ốc chi mạnh tiền để gom hàng. Tưởng rằng sẽ thu về lợi nhuận khủng, nhưng không ít nhà đầu tư đang "sa lầy" vì mua dễ, bán khó.
Trong khoảng thời gian dịch bệnh, không ít căn nhà, đất nền được rao bán với giá "cắt lỗ". Nhiều người thậm chí chấp nhận bán lại đúng với giá ban đầu mua vào, với hi vọng có dòng tiền để xoay chuyển trong hoạt động kinh doanh.
Đây cũng được xem là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư lắm tiền, khi mua được bất động sản với giá hời. Tuy nhiên, những bất động sản này đang trở thành "cục nợ" của không ít nhà đầu tư, khi Tết nguyên đán đã cận kề.
Anh Phạm Thanh Trường (ngụ quận 8, TPHCM) cho hay, đang sở hữu một căn hộ thuộc diện hình thành trong tương lai nằm trên đường Nguyễn Văn Linh. Đầu năm 2020, dịch bùng phát khiến nhiều căn hộ sang nhượng lại. Chớp lấy thời cơ, anh đã xuống tiền mua và chỉ chấp nhận chênh lệch 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn chưa tìm được người mua lại dù đã hết năm 2020.
"Khi thấy mức chênh lệch thấp so với tiềm năng của dự án, tôi đã đồng ý mua. Đồng thời cho rằng dịch bệnh sẽ sớm kiểm soát và mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Thế nhưng, đến nay việc bán lại căn hộ khá khó khăn. Trong khi đó tôi phải gồng mình lên đóng tiến độ cho chủ đầu tư…", anh Trường cho hay.
Tương tự, anh Hồ Văn Phương (ngụ quận Bình Tân) cũng đang đau đầu tìm người mua căn nhà phố có diện tích 50m2 nằm ở phường Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
Theo anh Phương, căn nhà được mua vào giai đoạn dịch bệnh với chênh lệch chỉ 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh đã rao bán với giá chênh 200 triệu đồng nhưng đến nay vẫn không tìm được người mua. Gần về cuối năm, anh Phương chấp nhận bán lại với đúng giá mua vào nhưng thị trường khu Nam vẫn rất trầm lắng.
"Vì là nhà cấp 4 và đã cũ, giá trị chủ yếu thuộc về phần đất. Lúc đầu tôi rao bán vì cần tiền và nghĩ mình đã mua rất được giá lúc đầu. Nhưng sau khi rao bán nhiều lần không được, tôi quyết định để lại cho thuê. Khi nào thị trường tốt, chắc chắn sẽ tìm được người có nhu cầu mua…", anh Phương chia sẻ.
Ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư Sài Gòn T&T cho hay, việc các nhà đầu tư không ra được hàng trong giai đoạn này là chuyện hết sức bình thường. Bởi vì, thị trường vừa trải qua sự ảnh hưởng của dịch bệnh, cần phải có thời gian hồi phục. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư khác vẫn còn rất thận trọng nên việc xuống tiền đầu tư khá là khó.
Ngoài ra, nhà đầu tư khi muốn ra được hàng cần phải nhìn lại mức chênh lệch trong thời điểm này. Mức chênh lệch quá cao sẽ khó kiếm được khách hàng, trong khi trước đó đã mua vào với giá hời nhờ ảnh hưởng của dịch. Đối với nhà đầu tư mạnh về vốn, nên cân nhắc trước khi bán, cần giữ lại hàng… để chờ thời cơ tới.
Nhìn lại thị trường năm 2020, DKRA Việt Nam cho hay, ở TPHCM, ngoại trừ phân khúc nhà phố và biệt thự tăng so với năm 2019, các phân khúc còn lại đều sụt giảm cả về nguồn cung mới lẫn sức cầu.
Trong khi đó, Bình Dương nổi lên với nguồn cung mới lên đến 5.627 sản phẩm đất nền và khoảng 10.526 căn hộ, Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới nhà phố/biệt thự (2.749 căn). Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường rơi vào trạng thái gần như "ngủ đông".
Dự báo năm 2021, DKRA cho rằng, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền có thể phục hồi và tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Sức cầu tăng so với năm 2020, tuy nhiên rất khó sôi động như năm 2019. Ở TPHCM, khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm.
Theo báo xây dựng