Bình Phước đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Hàng chục dự án đã được trao chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng số vốn lên đến gần 2 tỷ USD. Tương lai không xa Bình Phước sẽ trở thành đô thị hiện đại bậc nhất. Đồng Xoài, Chơn Thành, Đồng Phú, Tân Thành… sẽ mang lại một diện mạo chỉnh chu cho vùng đất Bình Phước.
Hạ tầng thành phố Đồng Xoài đang được đẩy mạnh.
Cơ hội bứt phá
Bình Phước thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cạnh Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh; có vị trí chiến lược gắn với trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước. Nhằm mang đến một diện mạo chỉnh chu cho vùng đất Bình Phước thúc đẩy địa phương trở thành vùng đất đáng sống, Bình Phước đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Từ cuối năm 2020, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho 35 doanh nghiệp thực hiện 46 dự án với tổng vốn đăng ký 46.276 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh của cả nước. Bình Phước cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km, có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường ĐT 741; cũng chỉ mất khoảng 2 tiếng để đến các sân bay, Cụm cảng Quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cái Mép, Thị Vải. Chính vì thế, những năm gần đây, Bình Phước có tốc độ phát triển khá nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như: Becamex IDC, Đại Nam,...; nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... cũng đầu tư về đây.
Bất động sản Bình Phước nhiều sôi động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ thêm, năm 2018, Bình Phước đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 24 dự án với tổng số vốn 1,133 tỷ USD. Đến nay, 15 dự án đã đưa vào hoạt động, 3 dự án đang tiến hành xây dựng và 6 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Trên thực tế, Bình Phước đã tập trung nguồn lực tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu quan trọng khác của địa phương. Có thể kể đến như các dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13, 14; cao tốc Đồng Phú – Bình Dương; Tỉnh lộ 741, 753, 756, đường sắt… Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với kinh phí hơn 24 nghìn tỷ đồng đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của các địa phương. Cùng với đó, các dự án đường sắt, đường nối với Đồng Nai; quy hoạch các tuyến đường hành lang phía Đông và phía Tây… khi hoàn thiện sẽ tạo nên cú huých cho sự phát triển địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từng đánh giá Bình Phước có vị trí giao thông quan trọng, là một trong những trung tâm cây công nghiệp của vùng Đông Nam bộ, có tiềm năng phát triển nông sản hàng hóa và du lịch. Phó Thủ tướng cũng nhận định, Bình Phước đang phát triển và thay đổi từng ngày, cần phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư; phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bình Phước cần tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ, các chính sách ưu đãi, nhanh chóng xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tỉnh cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, phát triển những thương hiệu gắn với địa phương; phát triển thương mại, dịch vụ logistic; du lịch sinh thái, tâm linh; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Xây dựng đô thị đáng sống
Nhu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế sẽ kéo theo các nhu cầu khác của cuộc sống. Quá trình gia tăng các khu công nghiệp lớn kéo theo sự dịch chuyển của các chuyên gia, lao động đến sinh sống và làm việc tại Bình Phước, kéo theo sự gia tăng cơ hội phát triển thị trường nhà đất. Lợi thế đi sau đã giúp Bình Phước có cơ hội đánh giá thành quả của các địa phương lân cận, từ đó đưa ra mục tiêu ưu tiên cho lĩnh vực phát triển đô thị; đặc biệt chú trọng tính kết nối vùng, tập trung nguồn lực xây dựng tam giác phát triển Đồng Xoài - Chơn Thành - Đồng Phú.
Thực tế cho thấy, gần đây Bình Phước đã nổi lên nhiều dự án bất động sản đô thị nhằm mang đến một diện mạo chỉnh chu. Tam giác phát triển Đồng Xoài – Đồng Phú – Chơn Thành được Bình Phước chú trọng. Thành phố Đồng Xoài là điểm giao thương giữa Đông, Tây Nam bộ với Tây Nguyên dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế của tỉnh và khu vực Chơn Thành, Đồng Phú, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương)…; nơi đây có nhiều dự án đáng chú ý như khu dân cư Cát Tường Phú Hưng của Cát Tường Group, Tà Bế Gold City, The Light City của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thành Phương. Tại huyện Chơn Thành, Becamex đã triển khai dự án Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước quy mô 4.600ha, trong đó khoảng 2.400ha đất Khu công nghiệp và 2.200ha đất dịch vụ và đô thị, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.
Gần đây nhất, cuối tháng 3/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Khu dân cư HM Residential do Công ty TNHH phát triển bất động sản Đồng Phú – Indochine làm Chủ đầu tư trên diện tích 168.185,2m2, với tổng vốn đầu tư là 70 tỷ đồng. Đây được cho là dự án có tính đi trước đón đầu hấp dẫn được đầu tư hệ thống hạ tầng nước máy đầy đủ tại Bình Phước. Có thể thấy rõ, cùng với sự phát triển kinh tế địa phương đang bước vào thời kỳ nở rộ, hạ tầng Bình Phước đang được đầu tư ngày càng mạnh mẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân, gia tăng năng lực cạnh tranh cho địa phương.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng