Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có trường hợp chỉ kê khai thuế với giá trị 500 triệu đồng, sau đó phải kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần, có trường hợp còn gấp 40 lần.
Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế xã hội 2021 và những tháng đầu năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình trước Quốc hội một số nhóm nội dung đại biểu "đặc biệt quan tâm". Trong đó có vấn đề siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Theo Bộ trưởng, vừa qua, có đại biểu băn khoăn việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế, còn gây ảnh hưởng với người dân.
Về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định, người nộp thuế phải kê khai thuê trên hợp động đúng với giá hai bên đã thỏa thuận với nhau, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.
"Thời gian vừa qua, có sự trốn thuế, có sự trục lợi về thuế trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Tài chính nói. Chính vì vậy, Bộ trưởng Tài chính đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, điều này cũng tác động tới đầu cơ kinh doanh bất động sản.
Theo đó, trong 5 tháng tổng thu được là 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp chỉ kê khai 500 triệu đồng, sau đó được giải thích thì kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần.
"Thậm chí có trường hợp gấp 40 lần. Còn bình quân cũng 6 lần", Bộ trưởng Tài chính thông tin.
Trước lo ngại của đại biểu, Bộ trưởng giải thích đã có chỉ đạo cấm cơ quan thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Vấn đề này cũng nhằm "tiền phòng hậu kiểm", tránh để các vụ án hình sự xảy ra.
Ông Phớc ví dụ, người bán nhà kê khai thấp là trốn thuế. Do vậy việc siết chặt với cách làm như theo Bộ trưởng, là hoàn toàn đúng pháp luật.
Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng khi cơ quan các cấp, các ngành giám sát, nếu có tình trạng cơ quan thuế có lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm.
"Sắp tới, chúng tôi đề nghị các địa phương sẽ xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản", ông Phớc nói.
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đã nêu ra loạt vấn đề rất đáng chú ý trong việc chống thất thu thuế kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.
Theo ông Bình, thị trường bất động sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng "bán nhà 2 giá", tức là giá thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn phổ biến, gây thất thu ngân sách.
Để khắc phục vấn đề này, đại biểu cho biết Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản để thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế, hướng dẫn kê khai đúng giá trị chuyển nhượng.
Ông Bình cũng chỉ ra việc các cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hay không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế.
Do vậy, khi áp dụng biện pháp để chống thất thu, các địa phương không thống nhất, mỗi địa phương, mỗi người lại áp dụng một kiểu.
Việc này bước đầu có kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình thẳng thắn cho rằng các chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn "chung chung", chưa giải quyết được triệt để gốc vấn đề mà ngược lại còn phát sinh bất cập, hệ lụy trong quá trình thực hiện.
Một số cán bộ thuế còn nhũng nhiễu
Từ phản ánh của cử tri, ông Bình cho biết có một số cơ quan thuế cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp giá tính thuế. Nhiều nơi yêu cầu người dân chấp nhận giá trị tính thuế cao hơn gấp 1,5-2 lần giá Nhà nước quy định mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp thấp hơn mức trên thì bị "ngâm" hoặc "mời lên làm việc nhiều lần", trả hồ sơ về với lý do chưa sát với thị trường.
Tuy nhiên ông Bình cho biết, căn cứ như thế nào để sát thị trường thì không rõ ràng, không minh bạch.
Việc chỉ đạo chung chung, không có giải pháp rõ ràng về pháp lý và kỹ thuật, theo ông Bình, vô tình dẫn đến nguy cơ là công cụ phương tiện, để một số cơ quan, cán bộ thu , chủ thể khác như công chứng có điều kiện những nhiễu, trục lợi, tham nhũng tiêu cực, gây khó người dân.
Thực tế, có nhiều địa phương chậm giải quyết hồ sơ, tình trạng quá hạn rất lớn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh đời sống người dân.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.