• Các kiến nghị của các doanh nghiệp địa ốc được đánh giá là khả thi

Các kiến nghị của các doanh nghiệp địa ốc được đánh giá là khả thi

Ngày cập nhật: 12/2/2023 » Thị trường nhà đất

Ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng phòng Phân tích tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh tại FiinRatings - đánh giá hầu hết kiến nghị của các doanh nghiệp đều có cơ sở thực hiện, không chỉ bởi các yếu tố khách quan về môi trường kinh doanh, mà còn từ các vấn đề nội tại của ngành bất động sản.

Liên quan đề xuất không chuyển nhóm nợ, ông Nguyễn Tùng Anh ủng hộ việc thống nhất phân loại nợ tín dụng ngân hàng (hiện theo dõi qua hệ thống thông tin tín dụng của NHNN là CIC) và nợ tín dụng trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tổ chức tín dụng.

Điều này có nghĩa, một doanh nghiệp khi tái cấu trúc trái phiếu cũng có thể được ngân hàng tái cấu trúc nợ để tránh chuyển nhóm nợ trên hệ thống CIC.

"Việc làm này sẽ thống nhất với các quy định mới như Nghị định 65, cho phép doanh nghiệp tái cơ cấu nợ trái phiếu có điều kiện tái cấu trúc nợ vay tín dụng tương ứng, từ đó đảm bảo thống nhất việc phân loại nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục với những phương án kinh doanh mới và gắn với phương án trả nợ mới”, ông Tùng Anh phân tích.

Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề lớn nhất vẫn là pháp lý của các dự án.

“Thực tế nếu pháp lý dự án có vấn đề, ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tái cấu trúc nợ, nếu không có chỉ đạo hoặc quy định rõ ràng từ Chính phủ. Dĩ nhiên, các dự án có pháp lý sạch vẫn được các tổ chức tín dụng tái cơ cấu nợ bình thường, tùy theo mức độ rủi ro và tính khả thi của dự án trong điều kiện mới”, ông nói.

Còn về vấn đề hạ lãi suất cho vay, ông Tùng Anh cho rằng khó thực hiện trên diện rộng vì phụ thuộc chất lượng tín dụng của dự án và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất đầu vào chưa giảm được ngay và vẫn neo cao ở mức 9-10%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, chủ đầu tư phải chấp nhận lãi suất cho vay 14-16%/năm.

“Thực tế, lợi nhuận gộp của ngành bất động sản khá cao, bởi vậy việc tăng chi phí đầu vào vẫn có thể ở mức chịu được. Nếu xa hơn nữa, doanh nghiệp có thể chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thậm chí lỗ một số dự án do yếu tố thị trường. Với điều kiện thực tế như hiện nay, cổ đông các doanh nghiệp bất động sản cũng phải và nên chấp nhận vấn đề này”, ông nói thêm.

"Chúng ta không nên yêu cầu lãi suất các dự án hay phân khúc đó cũng buộc phải giảm về mức thấp xung quanh 10%/năm như các ngành nghề khác hoặc như trong điều kiện bình thường cách đây 2-3 năm", ông Tùng Anh nói.

Đối với các dự án có rủi ro cao hơn hoặc mức xếp hạng tín nhiệm thấp, vị chuyên gia nhấn mạnh cần chấp nhận cơ chế lãi suất cao hơn một cách hợp lý để phản ánh mức bù rủi ro cho nhà đầu tư hoặc tổ chức tín dụng, một khi chấp nhận tái cơ cấu hoặc tái cấu trúc nợ với doanh nghiệp.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.