Dù là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid, thị trường bất động sản đã sớm cho thấy những dấu hiệu hồi phục đầu tiên ngay khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay khi GDP cả nước trong năm nay chỉ tăng 5,96% thì Việt Nam vẫn nằm trong top đầu tăng trưởng của khu vực. Triển vọng đến từ những bệ đỡ vĩ mô như tình hình kinh tế, xã hội ổn định, lạm phát thấp, FDI tăng trưởng kỷ lục, nhiều hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.
Số liệu thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 12,33 tỷ USD. Bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực hút dòng vốn ngoại với tổng vốn đăng ký 655 triệu USD.
Bà Như Khương, bộ phận Nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam cho biết, trên thực tế, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho những nhà đầu tư nước ngoài. Do đó giá thuê đất tại các khu công nghiệp vẫn tăng ngay trong quý đầu năm 2020 bởi đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Trong khi đó, với kinh nghiệm ứng phó của cơ quan quản lý, nhiều nghị định, nghị quyết vừa được ban hành đã bước đầu tiếp sức cho thị trường bất động sản, như Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và tạo đà để thị trường sớm sôi động trở lại.
Hay Nghị quyết 84/NQ – CP vừa được ban hành ngày 29/5/2020 đã giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam: Khi xảy ra khủng hoảng thì vàng, chứng khoán có thể bay hơi hoặc giảm sút giá trị. Nhưng với bất động sản, khi kinh tế phục hồi nó sẽ bật trở lại rất nhanh, đặc biệt là những khu vực đã có quy hoạch, hạ tầng đồng bộ.
Ở phía chủ đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng đại dịch Covid-19 là cơ hội để thị trường phát triển bền vững và thực chất hơn. Để có thể cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, với yêu cầu phải là những sản phẩm có không gian sống tốt và chi phí phù hợp.
“Thị trường hiện chỉ dành “đất sống” cho những doanh nghiệp có chiến lược phát triển dự án bài bản và có tiềm lực tài chính đủ mạnh để vượt qua đại dịch”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nhận định.
Đồng quan điểm với Chủ tịch FLC, nhiều lãnh đạo các đơn vị phân phối bất động sản uy tín cũng bày tỏ lạc quan trước các tín hiệu hồi phục của thị trường. Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bất động sản BHS lý giải thời điểm này lãi suất tại các ngân hàng đang đồng loạt giảm, lượng lớn nguồn tiền trong dân vẫn đang dùng để đầu tư bất động sản và chứng khoán. Đại dịch Covid cũng khiến người dân quan tâm hơn đến bất động sản không chỉ để đầu tư mà còn sở hữu không gian tận hưởng cuộc sống và đáp ứng các nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng có lợi cho sức khỏe về lâu dài.
Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều biến động, diễn biến cụ thể của thị trường bất động trong thời gian tới vẫn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Bức tranh bất động sản sẽ tiếp tục thay đổi theo chiều hướng nào? Các doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng cơ hội phục hồi? Những giải pháp nào sẽ thúc đẩy địa ốc phát triển? Nhà đầu tư nên tập trung vào những xu hướng, phân khúc nào?... Những thông tin này sẽ được làm rõ trong Tọa đàm “"Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong ngày 06/6 tới đây.
Thông qua lăng kính và những câu chuyện chia sẻ từ thực tế từ các doanh nghiệp, ban tổ chức mong muốn phân tích, làm rõ những vấn đề thiết thực đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản 2020 sau đại dịch như xu hướng, quy hoạch, chính sách, cơ chế cũng như xác định nhu cầu thị trường và những khuyến nghị cần thiết với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Từ đó, các bên cùng đưa ra những công cụ, nền tảng để tạo bệ phóng phục hồi cho thị trường, không chỉ trở lại mà còn khởi sắc hơn trước dịch bệnh. Các ý kiến thảo luận, kiến nghị sẽ được ban tổ chức tổng hợp để gửi lên Chính phủ nhằm đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/co-hoi-nao-cho-thi-truong-bat-dong-san-hau-covid-281143.html