Bước vào năm 2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch đa dạng các kênh huy động vốn, tái cơ cấu sản phẩm, rà soát lại danh mục dự án, xác định tập trung nguồn lực cho những dự án khả thi…
Anh Trung Sơn (TP.HCM), một trong số 20 nhân viên bộ phận marketing của một dự án tại TP.HCM nhận được thông tin bị cắt giảm nhân sự trong chiến lược tái cơ cấu của tập đoàn từ tháng 10/2022. Không chỉ marketing, nhiều bộ phận khác cũng bị cắt giảm với tổng số khoảng 40% nhân sự.
“Thị trường bất động sản gặp khó, dự án đang ở trong giai đoạn đầu, chưa triển khai nhiều nên tập đoàn quyết định tạm dừng lại để giảm áp lực chi phí.
Chúng tôi cũng hiểu đây là khó khăn chung nên chấp nhận nghỉ không lương, hy vọng thị trường sớm ổn định, dự án tái khởi động để có thể quay lại tiếp tục triển khai” – anh Sơn chia sẻ.
Không chỉ ở tập đoàn của anh Sơn, đối mặt với sức ép dòng tiền khi nguồn vốn thu hẹp và áp lực từ trái phiếu đáo hạn, làn sóng cắt giảm nhân sự đã và đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp bất động sản từ cuối năm 2022.
Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50 - 60% nhân sự.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…
Có doanh nghiệp mới mở bán dự án chấp nhận giảm giá nhà từ 20-30% đối với khách thanh toán ngay 90% giá trị căn hộ để thu tiền về trả nợ và đầu tư.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, sự khó khăn chồng chất, mất thanh khoản, thiếu vốn, tắc pháp lý, nợ lớn, chịu lãi vay cao đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
/Theo vị này, đây là sự sàng lọc tất yếu và có tính chất “khốc liệt” hơn thời kỳ bùng phát dịch Covid-19.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn trái phiếu, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đói vốn đã phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá trị hợp đồng) tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn “rủi ro” do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai...
Tại báo cáo mới nhất, Bộ Xây dựng đánh giá, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều vấn đề liên quan về vốn.
Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng mua bất động sản cũng khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng, gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
“Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế” – Bộ Xây dựng cho biết.
Theo ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), quá trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Tổ công tác của Thủ tướng đã nắm bắt được cụ thể các nhóm vấn đề trong đó có nổi lên vấn đề về nguồn vốn triển khai thực hiện dự án.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.