Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp phản ánh với Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại Hội nghị trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp và tổ chức kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam vừa được tổ chức ở tỉnh này.
Ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định phản ánh, hiện nay về hồ sơ thuê đất sản xuất, kinh doanh có quá nhiều thủ tục làm nhiều doanh nghiệp nản lòng, dẫn đến trở ngại trong thu hút đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến này, một số doanh nghiệp còn cho biết việc liên thông trong giải quyết thủ tục của Nam Định còn yếu so với các tỉnh lân cận, cá biệt còn một số cán bộ gây khó khăn, sách nhiễu, tăng mức độ "nản lòng" doanh nghiệp khi muốn đầu tư.
Hội nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Tỉnh Nam Định
Ngoài phản ánh trên, tại hội nghị, các doanh nghiệp Nam Định phản ánh tại tỉnh này vẫn gặp khó khăn chính sách đất đai, điều kiện tiếp cận nguồn vốn, nguồn lao động tại địa phương...
Cụ thể, cũng theo ông Đặng Văn Ngữ thì hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi Ngân hàng Nhà nước dừng cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thiết bị đầu tư kể từ ngày 1/10/2019. Doanh nghiệp đề nghị, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay thuận lợi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp muốn tận dụng những diện tích ruộng bỏ hoang của nông dân để chuyển đổi sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn, song chưa nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, người dân, nhất là vướng mắc trong việc thuê đất, tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất.
Còn theo phản ánh của ông Đào Văn Phương, Giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định hiện nay tại Nam Định xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng công nhân trong một số ngành như: dệt may, giầy da.
Giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định phân tích, chỉ riêng Khu Công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản) đã thu hút khoảng 14.000 lao động của các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định (Nam Định) và một số huyện của tỉnh Hà Nam. Nếu mở rộng khu công nghiệp này, thu hút thêm doanh nghiệp thì thiếu hụt lao động khá cao và đối diện với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng công nhân giữa các doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, tỉnh, các cơ quan chức năng địa phương cần rà soát lực lượng lao động để xây dựng, quy hoạch chiến lược thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đặc biệt, quan tâm công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cam kết sẽ hành động triệt để nhằm nâng cao môi trường kinh doanh
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định kiến nghị, tại các Khu Công nghiệp có hạ tầng hoàn thiện như Bảo Minh hiện đã cơ bản đã lấp đầy, không thể thu hút thêm doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện về quỹ đất để mở rộng khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vẫn như mọi năm, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, ông Phạm Đình Nghị khẳng định và cam kết: "Lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo các ngành, chức năng khắc phục các vấn đề, phản ánh của doanh nghiệp. Tỉnh Nam Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn".
Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, ông Nghị cho biết một số thông tin mới có lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử là việc tỉnh Nam Định đã đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn.
Dẫn nguồn từ baoxaydung