• Đồng Nai và định hướng phát triển nhà ở xã hội

Đồng Nai và định hướng phát triển nhà ở xã hội

Ngày cập nhật: 16/11/2022 » Thị trường nhà đất

Giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Nai sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà xã hội. Do đó, tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175ha đất sạch tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển nhà ở xã hội do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức chiều 15/11, nhiều nhà đầu tư đã đóng góp ý kiến, kiến nghị các giải pháp để phát triển loại nhà ở này.

Ông Võ Tấn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, số lượng nhà ở xã hội của Đồng Nai chưa đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp trên địa bàn.

Vì vậy, tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà xã hội.

Tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175ha đất sạch tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…

Nhà ở xã hội thì có nhiều ưu đãi hơn như Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động như:

Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án;

Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Là doanh nghiệp xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Phan Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO nêu khó khăn:

Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ việc áp dụng quy định pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính.

“Trước đây, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được chấp thuận chủ trương theo quy định của Luật Nhà ở do Sở Xây dựng chủ trì thẩm định và tham mưu UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Hiện nay, việc chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2020, do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định và tham mưu UBND tỉnh quyết định.

Tại dự án Nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch (giai đoạn 1, 10ha) UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương năm 2019, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành điều chỉnh dự án do vướng mắc thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Từ thực tiễn triển khai dự án, ông Quang kiến nghị: UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh nhằm giải quyết các bấp cập phát sinh trong quá trình phát triển dự án để nâng cao hiệu quả, giá trị của dự án.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh Đồng Nai cần thành lập tổ công tác đặc biệt để tập trung một đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Tỉnh cũng cần có quy trình và tiến độ các bước thực hiện cụ thể để nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Đặc biệt là công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đất công làm sao cho đúng quy định pháp luật nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia.

Đồng thời, phát huy vai trò của quỹ phát triển nhà ở, để làm vốn mồi cho nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.