Dự án Khu dân cư đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú, thành phố Tuy Hòa (đợt 1 - giai đoạn 1, gồm 158 lô đất ở với diện tích 21.187m2) thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua bởi sự “nhì nhằng” từ khâu tổ chức đấu giá do có sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên, đến việc UBND tỉnh “hoãn binh” phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
Một phần của dự án.
Nhà đầu tư bức xúc
Theo biên bản quyền đấu giá tài sản, lúc 14h00 ngày 22/10/2020, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Phú Yên đã công bố Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Nắng Ban Mai (Công ty đại diện) và Công ty Cổ phần Khải Huy Quân là đơn vị trúng đấu giá tài sản là 158 lô đất ở ô phố LK03, LK04, BT05 và LK13 thuộc dự án Khu dân cư đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú (đợt 1, giai đoạn 1) với mức giá cao nhất là hơn 645 tỷ đồng.
Phiên đấu giá được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và phương án đấu giá đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Thế nhưng, 2 tháng sau cuộc đấu giá thành, UBND tỉnh Phú Yên vẫn chưa chịu phê duyệt kết quả trúng đấu giá theo quy định của pháp luật, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá bị xâm phạm và chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Sau khi tổ chức đấu giá thành, ngày 26/10/2020, UBND thành phố Tuy Hoà cũng đã có Tờ trình số 342/TTr-UBND đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.
Mặc dù cuộc đấu giá đã diễn ra 2 tháng, và ngày 17/12/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Nắng Ban Mai đã có đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Phú Yên về việc chậm ban hành Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Nắng Ban Mai, cho biết: “Ngay sau khi trúng đấu giá, ngày 23/10/2020, chúng tôi đã thực hiện nộp vào Ngân sách Nhà nước, thông qua Tài khoản của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Phú Yên với số tiền gần 128 tỷ đồng, đây chính là khoản tiền đặt cọc theo quy định của pháp luật. Tiền đã nộp, máy móc, phương tiện, vật tư và nhân lực cũng đã chuẩn bị theo đúng kế hoạch, phương án mà UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt để triển khai. Nhưng giờ “mắc kẹt” thế này, khác nào dồn chúng tôi vào chỗ chết”.
Khi nhà đầu tư đang như “ngồi trên đống lửa” chờ nhận tài sản trúng đấu giá để triển khai thực hiện dự án theo đúng cam kết, thì UBND tỉnh lại trì hoãn phê duyệt kết quả trúng đấu giá mà UBND thành phốTuy Hoà đã báo cáo đề xuất công nhận. Cụ thể, ngày 04/12/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra Văn bản số 6076/UBND-KT, chỉ đạo: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành, địa phương có liên quan rà soát lại trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc xây dựng, thông qua phương án đấu giá, thực hiện đấu giá và quy định về việc phê duyệt kết quả đấu giá đối với dự án này”.
Đáng chú ý là nội dung trên đều đã được thực hiện theo các Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên: Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của Thành phố Tuy Hòa; Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 27/03/2020 về phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú, thành phố Tuy Hòa (đợt 1- Giai đoạn 1); Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 08/4/2020 phê duyệt đấu giá quyền sử dụng để thực hiện dự án) do Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan tham mưu.
“Chúng tôi không hiểu tại sao lại có “quy trình ngược” này, tại sao lại thực hiện việc đấu giá xong rồi mới yêu cầu rà soát các văn bản do chính những lãnh đạo UBND tỉnh tiền nhiệm thống nhất ban hành?”, đại diện liên danh trúng đấu giá dự án Bắc đường Trần Phú nói.
Vậy, phải chăng các Văn bản và Quyết định của các lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên tiền nhiệm không đúng quy định và có dấu hiệu vi phạm pháp luật? Hay nội bộ của Thường trực UBND tỉnh Phú Yên có sự nghi ngờ nhau?
Ai chịu trách nhiệm bồi thường
Khi nhà đầu tư bị cố tình “treo” quyền lợi, ảnh hưởng nghiệm trọng đến nguồn tài chính và các hoạt động của doanh nghiệp, bị “dồn vào chỗ chết” như đại diện nhà đầu tư nói, thì cá nhân, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?
Theo Điều 358, Bộ Luật Dân sự 2015 có nêu rõ: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại. Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại”.
Theo đó, bên trúng đấu giá có quyền khởi kiện, yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên đền bù thiệt hại số tiền gấp 2 lần số tiền cọc đã nộp vào Ngân sách Nhà nước (tương đương số tiền gần 256 tỷ đồng). Đặc biệt, mức thiệt hại, khoản tiền lãi phát sinh do phải chuẩn bị 645 tỷ đồng để nộp khi có thông báo kết quả đấu giá cũng phải được bồi thường. Điều này, khiến UBND tỉnh Phú Yên đứng trước nguy cơ phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để bồi thường thiệt hại nếu bên trúng đấu giá khởi kiện. Dẫn đến việc Ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thoát số tiền lớn, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc này, tập thể lãnh đạo nhiệm kỳ nào chịu trách nhiệm?
Việc không phê duyệt kết quả trúng đấu giá trước hết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trúng đấu giá, sau đó gây ra nhiều hệ luỵ kèm theo. Và chắc chắn rằng đâu đó uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh Phú Yên sẽ bị ảnh hưởng xấu, nhà đâu tư sẽ “e dè, cân nhắc” trước khi tìm đến.
Báo xây dựng