Trong 2 năm trở lại đây, giá bất động sản ở nhiều phân khúc liên tục tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền, nhà liền kề tại các khu vực ven thành phố.
Theo ghi nhận của một tờ báo, tại Hà Nội, biệt thự tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) đang có giá rao bán từ 90 đến 100 triệu đồng/m2, cao hơn 2 lần so với giá năm 2018.
Tương tự, giá biệt thự tại khu đô thị New House City (Quốc Oai) đang rao bán giá 45-55 triệu đồng/m2, tùy vị trí, cao hơn khoảng 20 triệu đồng/m2 so với thời điểm năm 2018.
Đáng chú ý, giá nhà đất tại khu vực nội đô của Hà Nội tăng nóng. Đơn cử một căn liền kề khu đô thị Louis City (Hoàng Mai) diện tích dưới 100 m2 có giá từ 13-15 tỷ đồng, chưa bao gồm tiền xây thô 6,8 triệu đồng/m2. Mức giá này đang cao hơn 50 -70 triệu đồng/m2 so với thời điểm năm 2018.
Tương tự như nhà biệt thự, liền kề, phân khúc đất nền cũng có sự tăng giá nhanh ở nhiều địa phương. Trong đó, tại vùng ven Hà Nội, giá đất nền liên tục tăng nhanh, phần lớn là do các nhà đầu tư tự bán cho nhau và một số "cò đất" thổi giá.
Đơn cử, một lô đất nền 120 m2 ở xã Đồng Trúc (Thạch Thất) đang có giá rao bán 3,6 tỷ đồng (tương đương 30 triệu đồng/m2). Trong khi đó, chính lô đất này được rao bán đầu năm 2021 là 23 triệu đồng/m2.
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian qua, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường có sự phát triển nóng, bất bình thường.
Giá nhà đất nhiều nơi tăng nóng, đặc biệt là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay có thông tin về quy hoạch dự án đi qua. Có khu vực giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%.
Nguyên nhân của hiện tượng thị trường bất động sản tăng giá nóng trên là do nguồn cung nhà còn hạn chế, nguồn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chưa được điều chỉnh tốt, thông tin thị trường chưa kịp thời dẫn đến có sự lợi dụng để "nâng giá, thổi giá".
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhìn nhận, 6 tháng đầu năm nay là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác lại khan hiếm nên dẫn đến tình trạng "sốt ảo" và "thổi giá" nhà, đất.
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), yếu tố khiến giá bất động sản liên tục tăng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 là do quá trình hình thành các đô thị mới khiến nhiều người có tâm lý đi trước để "đón đầu" quy hoạch, mua đất để chờ tăng giá.
Thêm nữa, yếu tố nguồn cung thiếu hụt do khan hiếm dự án mới cũng khiến giá bất động sản tăng "phi mã", cùng với việc tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chưa được điều chỉnh tốt, thông tin thị trường chưa kịp thời và bám sát dẫn đến có sự lợi dụng để "nâng giá, thổi giá".
Yếu tố nguồn cung thiếu hụt do khan hiếm dự án mới cũng khiến giá bất động sản tăng "phi mã". Ảnh minh họa.
Giá bất động sản đột ngột giảm
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021, và đã đạt đến đỉnh của sự tăng trưởng nóng. Bởi lẽ, thông thường thị trường chỉ tăng trưởng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc có dòng tiền tốt.
Tuy nhiên, thời gian qua lại xuất hiện việc không ít doanh nghiệp không làm ăn được vẫn "đua nhau" đổ tiền vào bất động sản. Nhiều người dân chán làm ăn cũng quay sang đầu tư nhà, đất.
"Đến đầu năm 2022, cùng với việc Bộ Tài chính và Chính phủ quyết liệt trong công tác xử lý một số doanh nghiệp thì người ta mới thấy rằng, năm 2021 xuất hiện một dòng tiền đầu tư tài chính ảo. Và việc tăng giá bất động sản trong năm qua hoàn toàn không dựa trên một nhu cầu bền vững của đầu tư hoặc sử dụng", ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, có thể nhiều người đang tỏ ra ngạc nhiên khi nói về sự giảm tốc của thị trường bất động sản hiện nay, thậm chí là đổ thừa cho việc siết tín dụng, siết thuế nhà đất.
Tuy nhiên, những điều này chỉ là bề nổi, nhằm trấn an các nhà đầu tư và nhà đầu tư tương lai rằng, nếu hết siết tín dụng thì thị trường địa ốc lại tăng trưởng.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.