Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý và không bị "sốt" hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền là yếu tố khiến nhiều người quay trở lại với phân khúc chung cư.
Trong tháng 5, mức độ quan tâm tới phân khúc căn hộ tăng ấn tượng. Ảnh: Cao Nguyên.
Dịch chuyển từ đất nền sang chung cư
Dữ liệu mới nhất tháng 5.2021, trong khi hầu hết loại hình bất động sản (BĐS) khác đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh, căn hộ chung cư là loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TP.HCM với mức tăng lần lượt là 12% và 8% so với tháng 4.
Nhu cầu được chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, lượt quan tâm chung cư tăng, đất nền giảm trong dữ liệu tháng 5 cho thấy, xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn “sốt nóng” của đất.
Điều này được lý giải bởi trong “cơn sốt” quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm. Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm BĐS có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, chung cư trước nay vốn vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ phần lớn là nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị “sốt” hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, vài năm gần đây, chung cư Hà Nội có mức tăng giá trung bình 1-3% theo năm.
Thị trường nửa cuối năm 2021 ra sao?
Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 được kiểm soát, niềm tin về thị trường BĐS tăng tốc mạnh mẽ trở lại và tạo nên một đợt sốt đất trên diện rộng khắp Việt Nam trong quý I/2021. Số liệu tìm kiếm BĐS đạt kỷ lục vào tháng 3 cho thấy thị trường BĐS giống như chiếc lò xo bị nén vào mỗi đợt dịch bùng phát, sau mỗi đợt dịch, nhu cầu BĐS bật tăng mạnh trở lại, khi thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao.
Tháng 5.2021 chứng kiến số lượng doanh nghiệp BĐS mới tiếp tục tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước, điều này cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực về sự hồi phục thị trường trong năm 2021.
Chia sẻ với Lao Động, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng, trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẵn sàn phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Theo ông Tuấn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. “BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác” - ông Tuấn chia sẻ.
Từ góc độ nguồn cung, có thể thấy, đại dịch COVD-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS.
Rủi ro nhưng cũng là cơ hội
Theo số liệu mỗi năm Hà Nội và TP.HCM cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên, nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội thắng thế.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng