Để giải quyết vấn đề nguồn tín dụng cho thị trường, mới đây Bộ Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Đề xuất này nếu thành hiện thực sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy nguồn cung của thị trường BĐS cho nhu cầu nhà ở của người dân.
Tiếp đến để góp phần tìm ra những giải pháp về vốn nhằm tháo gỡ các khó khăn cho các DN BĐS, ngày 8/2, tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các DN BĐS, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng khơi thông nguồn tín dụng (chiếm 70% nguồn vốn của DN BĐS trong năm 2022) là một trong những giải pháp cần thiết nhất mà Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần tạo điều kiện cho thị trường với các quyết sách kịp thời.
Tại đây, các DN lớn của thị trường BĐS như Novaland (NVL), Vinhomes (VHM), Tập đoàn Đất Xanh (DXG), đã có các kiến nghị và Thống đốc NHNN Nguyễn thị Hồng cho biết đã ghi nhận các ý kiến của các DN, hiệp hội như:
Đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro, cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị, mở room tín dụng riêng cho BĐS, hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, có cơ chế riêng về tín dụng BĐS du lịch (condotel), miễn giảm lãi, điều kiện vay vốn, sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay, nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỷ đồng năm 2013,…
Do đó, để giúp DN BĐS giải quyết "nút thắt" về vốn, Ngân hàng Nhà nước nên nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, có chính sách tái cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản đảm bảo, làm rõ một số vấn đề về mục đích vay vốn, tạo điều kiện vay với người mua nhà…
Để đảm bảo cho hệ thống tín dụng an toàn, cần giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay một cách từ từ, để đến quý IV/2023, lãi suất huy động và lãi suất cho vay trở về mức như năm 2021.
Đặc biệt vấn đề trái phiếu DN, nên giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giãn yêu cầu xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp của HOREA rất khả thi được các DN BĐS và chuyên gia kinh tế đánh giá cao là về cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
Cốt lõi của vấn đề này chính là tạo điều kiện để dòng tiền mới được "bơm" vào thị trường BĐS là rất thết thực để giải quyết vấn đề vốn vì hiện nay điều kiện vay còn quá khắc khe, như yêu cầu DN phải có giấy phép xây dựng, giống như "giấy phép con" gây khó khăn cho DN BĐS trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Về giải pháp để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc pháp lý cần có sự phối hợp đồng bộ từ vi mô đến vĩ mô. Từ việc sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, ban hành các văn bản nghị định của Chính phủ đến các địa phương.
Bên cạnh những giải pháp trọng tâm nêu trên bản thân các DN BĐS cũng phải nỗ lực để đồng hành, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các vướng mắc.
Theo đó, các DN phải tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm; cần phải chủ động, tích cực tham gia thực hiện thực hiện các giải pháp xử lý những khó khăn nội tại như cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp các dự án, sản phẩm, giá bán… để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thực tế thị trường.
Quan trọng nhất là trong bối cảnh hiện nay, để định hướng, Chính phủ cần ban hành các nghị định kịp thời với tình hình cụ thể hiện tại để tháo gỡ ngay những vướng mắc của thị trường BĐS như nghị định về đất đai, Nghị định quy định về quy trình, thủ tục hành chính đầu tư xây dựng các dự án BĐS, nhà ở, đô thị để thống nhất về thủ tục hành chính ở trong toàn quốc.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.