• Giảm bớt quy trình, tạo điều kiện về vốn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà

Giảm bớt quy trình, tạo điều kiện về vốn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà

Ngày cập nhật: 12/8/2023 » Thị trường nhà đất

Bên cạnh việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để phát triển, xây dựng nhà ở xã hội, theo phản ánh của một số địa phương, vẫn còn vướng mắc khi thực hiện. Đó là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội và triển khai các gói hỗ trợ (như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng) vẫn thực hiện thông qua các thủ tục hành chính thông thường, không thực hiện được các thủ tục liên thông (đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng) dẫn đến việc tra soát hồ sơ mất nhiều thời gian và không bảo đảm tính chính xác.

Trong báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh có nêu, với các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn (hình thành đơn vị ở với quy mô hơn 4.000 người) thì chi phí đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là rất lớn.

Chi phí này lại được phân bổ vào giá bán/giá cho thuê/cho thuê mua, dẫn đến giá thành cao, không phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của các đối tượng xã hội.

Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sau đầu tư được bàn giao cho cư dân, do Ban Quản trị thực hiện không bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần quy định cụ thể về phương pháp xác định giá bán/cho thuê/cho thuê mua đối với trường hợp các khu nhà ở xã hội có quy mô lớn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ (có thể quy định việc phân bổ 100% chi phí đầu tư ngoài khu đất xây dựng nhà ở xã hội cho phần kinh doanh thương mại).

Cũng liên quan đến các thủ tục hành chính, các quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội còn nhiều phức tạp, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng hiện nay quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội không khác gì nhiều đối với quy trình, quy định nhà ở thương mại.

Vì thế Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, đối với nhà ở xã hội cần có quy định, quy trình riêng, rút gọn trình tự lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu vì hiện nay quy trình đấu thầu rất tốn thời gian.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng riêng đối với nhà ở xã hội cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất…

Ông Khôi phân tích, hiện tại nếu theo quy định về quy trình đấu thầu các dự án nhà ở xã hội vẫn giống như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó.

Vì thế, ông Khôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng. Về tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt, ông Khôi cũng đề nghị tận dụng ngay các dữ liệu về dân cư mà ngành công an đang quản lý để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà.

Về khả năng vay của người dân mua nhà, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay lãi suất còn quá cao so với người có thu nhập thấp.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ, nếu một người đi vay mua 1 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, được ngân hàng cho vay 80% (khoảng 800 triệu đồng), tính bình quân lãi suất như hiện nay là 8%/năm và cho vay trong 15 năm thì mỗi tháng họ phải trả cho ngân hàng cả gốc và lãi là 7,5 triệu đồng.

Như vậy để ngân hàng cho vay, phía ngân hàng phải bảo đảm rằng đối tượng đi vay phải có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, không biết có bao nhiêu người lao động thu nhập thấp có thể mua được nhà.

Vì thế, chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nghiên cứu một mức lãi suất hợp lý để người đi vay tiếp cận được vốn vay và mới có thể mua được nhà.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.