Các chuyên gia đều cho rằng, việc phát triển nhà có diện tích tối thiểu 25m2 là xu hướng chung của thị trường và không nên phát triển nhà ở dưới “chuẩn” này.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, những ngôi nhà có diện tích siêu nhỏ, giá rẻ đang thu hút sự quan tâm của người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, nếu không có quy hoạch và giám sát từ cơ quan chức năng, việc phát triển tràn lan nhà có diện tích nhỏ, thậm chí siêu nhỏ sẽ dẫn tới rất nhiều gánh nặng cho đô thị.
Đặc biệt, Hà Nội hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều ngôi nhà có diện tích chỉ từ 12 - 19 m2. Đặc biệt, nhiều khu vực tại trung tâm Hà Nội như: quận Hoàn Kiếm, Đống Đa... không thiếu những nhà ở méo mó, có diện tích chỉ khoảng 10 m2.
Dưới góc độ của quy hoạch đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, chỉ nên ưu tiên phát triển nhà ở đạt diện tích tối thiểu là 25 m2 theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Đối với nhà ở nằm dưới “chuẩn” 25 m2 thì không nên.
Theo ông Nghiêm, mục đích phát triển nhà ở tại Hà Nội chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, nhà ở là một điều kiện sống quan trọng, tái tạo sức lao động và phát huy năng lực làm việc.
Hà Nội không thiếu những ngôi nhà "siêu mỏng".
Vì vậy, một ngôi nhà có diện tích quá nhỏ khoảng 15 - 20 m2 không thể đảm bảo không gian, chất lượng cuộc sống, không thể giúp người dân nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Như vậy sẽ làm giảm hiệu năng làm việc.
Ông Nghiêm đưa ra luận điểm, hiện nay, bình quân diện tích nhà tại Hà Nội đang là 23 m2/ người và phấn đầu tới năm 2025 đạt 25 m2/ người. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân Hà Nội đang ở mức cao của cả nước. Từ đó, việc phát triển nhà ở dưới “chuẩn” 25 m2 là điều không cần thiết.
Trong trường hợp để mặc người dân tự phát triển nhà ở có diện tích siêu nhỏ, khoảng 15 - 20 m2 tràn lan sẽ tạo điều kiện cho các khu ổ chuột phát triển.
“Nếu nhà ở quá nhỏ phát triển tràn lan sẽ tạo ra các khu phố ổ chuột. Đây là bài học của nhiều đô thị trên thế giới đã mắc phải và cả Hà Nội trong những năm vừa qua cũng đang gặp phải”, ông Nghiêm nói.
Để dung hòa được yếu tố đô thị, nhà ở với thu nhập của người dân, ông Nghiêm đưa ra 2 giải pháp: “Thay vì phát triển nhà ở có diện tích siêu nhỏ, Hà Nội và các đô thị lớn khác tại Việt Nam nên ưu tiên phát triển nhà ở xã hội từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên vay mượn, lãi suất ưu đãi tạo vốn mua nhà”.
Dưới góc độ từ thị trường, Công ty nghiên cứu Bất động sản Savills Việt Nam cho rằng, nhà ở có diện tích nhỏ đạt “chuẩn” 25m2 vẫn thu hút được đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, có thể là sinh viên mới ra trường, người mới đi làm hoặc các cặp vợ chồng mới cưới muốn ra ở riêng.
Mặc dù vậy, các căn hộ có diện tích nhỏ, giá rẻ đang thiếu nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên, nếu không có quy hoạch và phát triển tràn lan nhà ở có diện tích nhỏ, chắc chắn sẽ tạo gánh nặng cho hạ tầng đô thị và tạo ra nhiều rủi ro về an ninh, trật tự.
Để phát triển phân khúc nhà ở 25m2, đại diện này cho rằng, cơ quan quản lý cần có cái nhìn tổng quan để đưa ra các quy định và hướng dẫn cụ thể trong quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp muốn tham gia vào các dự án phát triển nhà ở có diện tích nhỏ cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để vận hành và quản lý hiệu quả dự án.
“Điều này giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, tránh gây sức ép lên hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng, giữ gìn hình ảnh trật tự và quy hoạch đô thị”, đại diện của Savills cho biết.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-co-nen-phat-trien-nha-sieu-nho-duoi-chuan-25m2-272850.html