Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông chỉ rõ, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai nằm tại các địa bàn quận, huyện. Việc xử lý các dự án này đã được HĐND Thành phố giám sát qua nhiều nhiệm kỳ.
Quá trình xử lý về cơ bản đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án đi vào hoạt động, giải phóng nguồn lực về tài chính, đất đai, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Với các dự án chủ đầu tư cố tình không triển khai sẽ phải cương quyết xử lý, thu hồi.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, từ nay đến cuối năm danh sách dự án còn nhiều biến động, thay đổi. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát thường xuyên, nhanh chóng có biện pháp xử lý, sớm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị các bên tiếp tục kiểm tra, rà soát, tổng hợp các dự án thuộc đối tượng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng. Việc phân loại, xử lý các dự án căn cứ pháp luật về đầu tư, đất nền dự án.
Còn Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc kiểm tra, rà soát các dự án, việc này phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ hàng năm là vô cùng quan trọng.
Kết quả thống kê, phân loại với từng loại dự án là cơ sở để phân rõ trách nhiệm xử lý đối với từng đơn vị, sở, ngành. Việc xử lý cần thực hiện theo nguyên tắc là dự án lớn làm trước, nhỏ làm sau.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng nhắc nhở các bên phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cụ thể là chấp hành các quy định về gia hạn của Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2020.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu, đến hết tháng 10/2022 cần có các kết quả rà soát cụ thể, phương án xử lý của từng dự án để tổng hợp báo cáo HĐND thành phố.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.