Trước thông tin một số ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên cao, chạm mức 10,5%/năm, nhiều người băn khoăn không biết liệu nên gửi tiết kiệm toàn bộ tiền mặt sẵn có hay mua đất rẻ từ những chủ đất “ngộp”.
Đơn cử, ngày 26.10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết mức lãi suất tiền gửi lên tới 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng tại sản phẩm tiền gửi online.
Bên cạnh đó, tất cả các kỳ hạn dưới 6 tháng đều được tăng từ mức 5%/năm lên kịch trần lãi suất mới nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm.
Đồng thời, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, mức lãi suất áp dụng trong khoảng 8,7% – 8,95%/năm. Kỳ hạn 12 và 13 tháng lãi suất lần lượt 9,15 và 9,25%/năm.
Hay NAM A BANK với sản phẩm Happy Future, ở kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất ngân hàng này trả cho 3 tháng đầu ở mức 11%/năm, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…
Chị Ngô Quỳnh Ân (Hà Đông, Hà Nội) cho biết hai vợ chồng đang có trong tay hơn 4 tỉ đồng và không biết phải làm gì với số tiền này.
“Nếu gửi tiết kiệm thời điểm này sẽ được hưởng lãi cao và cũng rất an toàn. Nhưng tôi nghe nói, sắp tới, nhiều chủ đất không chịu được áp lực lãi vay hoặc cần tiền kinh doanh chắc chắn sẽ phải bán rẻ. Tôi sợ gửi tiết kiệm sẽ bỏ qua cơ hội đầu tư đất với giá “hời”, chị Ân cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng muốn đợi mua đất “ngộp” trước hết phải hiểu rõ về nó. Bất động sản “ngộp” khi phải cắt giá khoảng 10-20%, thậm chí 30% so với giá giao dịch trung bình trong thời gian 3-6 tháng trước.
Ngày 27.10, một Ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm cho các khách hàng gửi từ 500 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 12 tháng và lãnh lãi cuối kỳ với điều kiện khách hàng trước khi gửi tiền cần liên hệ trước và có sự đồng ý của ngân hàng.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này dành cho khách hàng gửi dưới 500 tỉ đồng chỉ là 8,1%/năm và cao nhất cho kỳ hạn từ 24-60 tháng là 8,65% cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên tại sản phẩm Tiết kiệm rút gốc linh hoạt.
Riêng đối với các khoản tiền gửi online, nhà băng này áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 8,95%/năm cho các kỳ hạn 24, 30, 36 và 60 tháng.
Tuy nhiên hiện nay, tình trạng “ngộp” đất buộc phải cắt lỗ chưa nhiều, đa số chỉ xảy ra cục bổ ở những khu vực ven đô, hoặc bất động sản diện tích lớn rõ tính chất đầu cơ ở ven khu công nghiệp. Còn đất dự án khó có chuyện cắt lỗ bởi những nhà đầu tư vào thị trường này đa phần có tiềm lực mạnh, đồng thời cũng là những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm. Do đó người mua phải tìm hiểu thật kỹ.
Ông Phương Văn Long, Tổng giám đốc GP Holding, cho biết trước khi đưa ra quyết định, nhà đầu tư nên nghiên cữu kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng quanh khu vực định mua để dự đoán về thanh khoản của sản phẩm trong một vài năm tới. Nếu mua bất động sản ở những vị trí không nổi trội, khả năng cao sẽ bị chôn vốn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất 2 lần trong tháng 9 và tháng 10, với mức tăng rất lớn 1% là chuyện chưa có tiền lệ. Động thái này nhằm kiểm soát lạm phát ở Việt Nam và ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9%, ông Hiếu cho rằng, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn nhất, khả quan nhất.
Để khẳng định thêm cho nhận định này, ông Hiếu phân tích, hiện nay đầu tư vàng sẽ là kênh nguy hiểm khi giá lên xuống liên tục.
Với chứng khoán, theo ông Hiếu, thời gian này ai có “gan” lắm mới nhảy vào, bởi hiện tại không ai biết chứng khoán đã chạm đáy hay chưa. Do vậy đầu tư vào chứng khoán lúc này rất rủi ro.
Cách tốt nhất được ông Long tư vấn là chia nhỏ giỏ tiền. Sử dụng khoảng 30-40% số tiền đang có để gửi ngân hàng, số còn lại tìm kiếm đầu tư những bất động sản có vị trí tốt, ổn định về giá bán và khả năng thanh khoản. Tránh đầu tư lướt sóng và những dự án chưa đầy đủ pháp lý.
Việc chờ “bắt đáy” bất động sản thời điểm này, theo ông Long, vẫn còn sớm bởi nhà đầu tư hiện nay có tài chính khá vững chắc, chỉ có số ít nhà đầu tư theo kiểu vay vốn quá nhiều mới phải bán để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng.
Còn kênh ngoại hối, mặc dù đang tăng rất mạnh nhưng ông Hiếu cho rằng, đây không phải là kênh đầu tư đại chúng vì muốn kinh doanh ngoại hối phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
“Muốn an toàn nhất lúc này là bỏ 100% tiền vào ngân hàng, chắc chắn trong 2 năm tới sẽ không bị thất thoát”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo ông Phương Văn Long, đầu tư bất động sản lúc này vẫn tốt hơn so với gửi tiết kiệm bởi việc tăng lãi suất huy động chỉ là tạm thời, không bền vững.
Nhadat24h.net- theo cafeland.