• Hỗ trợ hay giải cứu trước diễn biến của giá BĐS tăng cao

Hỗ trợ hay giải cứu trước diễn biến của giá BĐS tăng cao

Ngày cập nhật: 31/8/2022 » Thị trường nhà đất

Đứng trước diễn biến của giá BĐS tăng cao, một số chuyên gia BĐS đề xuất cần giải cứu thị trường này bằng nhiều phương thức, trong đó chủ yếu từ giải pháp tín dụng - tiền tệ. Không chỉ giãn, hoãn nợ, còn cần phải tăng trưởng tín dụng vào thị trường này, mặc dù tốc độ tăng tín dụng sau 6 tháng đã tăng hơn 9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia cho rằng, không nên giải cứu thị trường nhà đất.

Bởi giá BĐS đã tăng liên tục với tốc độ cao trong nhiều năm - vượt quá số năm trong các chu kỳ trước (1993, 2001, 2007, 2013), thuộc loại cao trong các kênh đầu tư như: Tiết kiệm, USD, chứng khoán, vàng…

Thực tế, giá BĐS đang vượt quá so với thu nhập của người có nhu cầu mua BĐS để sử dụng thật.

Hệ số này ở Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư, đầu cơ hay "đại gia" BĐS đầu tiên đã thu được lợi nhuận không nhỏ.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay có thể tháo gỡ bằng cách hạ giá bán sản phẩm BĐS ở các phân khúc, vừa để thu hồi vốn, vừa tạo dòng vốn cho thị trường.

Do đó, có thể hỗ trợ, không phải là giải cứu thị trường như với các lĩnh vực khác như: Y tế, giáo dục, nông sản thực phẩm, các ngành sản xuất khác... thông qua tác động để giảm chi phí đầu vào, hạn chế tốc độ tăng hoặc giảm giá vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tập trung vào những nội dung:

Quyền sở hữu, sử dụng đất, khung giá đất... để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay của thị trường, tạo hành lang pháp lý cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu thật của đa số nhà đầu tư.

Bàn về giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS, theo ông Cấn Văn Lực, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn, nhất là từ tháng 6 - 8/2022.

Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay không còn ở tỷ lệ 20 - 80% như trước đây.

Do đó, các ngân hàng có thể “nới room” tín dụng ngay từ tháng 9/2022, nếu để đến quý IV thì hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội.

Việc tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên, ảnh hưởng đến phát triển thị trường BĐS.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đang gặp vướng mắc về vốn đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, cần xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn cho thị trường BĐS thông qua việc sớm xây dựng đạo luật về trái phiếu doanh nghiệp.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.