Nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng trái phiếu. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thị trường này.
Chiều 14/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin đến cuối tháng 5, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% trong tổng số đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống và tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.
Để phát triển lành mạnh thị trường nhà đất trong thời gian tới, NHNN đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
"Đồng thời, nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như thị trường chứng khoán, vốn FDI... để phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, trong đó có kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng...
Doanh nghiệp địa ốc huy động gần 90.000 tỷ đồng
Chia sẻ thêm về thực trạng phát hành trái phiếu bất động sản, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.
Một số đơn vị lớn cũng đã mở rộng ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1,305 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2021.
Để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu minh bạch, lành mạnh, Bộ Tài chính đề xuất tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu.
Về định giá đất, Thứ trưởng Ngân đề xuất bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất.
Về công tác đấu giá đất thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá.
Đặc biệt, ông Ngân đánh giá thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm, TP.HCM) là sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...
Do đó, lãnh đạo bộ này đề xuất bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.