Mặc dù lãi suất huy động giảm giúp lãi suất cho vay mua nhà rẻ hơn nhưng dòng tiền không “chảy” vào bất động sản nhiều như kỳ vọng.
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề. Trong đó, bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Các công ty bán hàng khó khăn hơn nên tác động đến tín dụng bất động sản, từ đó khiến lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng giảm dần.
Lãi suất cho vay mua nhà đồng loạt giảm sâu
Sau 8 tháng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể, từ đó góp phần giúp tín dụng bất động sản vẫn duy trì đà tăng trưởng dương.
Cụ thể, so với thời điểm đầu năm 2020, Standard Chartered giảm mạnh nhất với 0,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, giảm 0,2%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và giảm tới 0,6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Standard Chartered cũng là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất với 6,49%/năm, áp dụng cho kỳ hạn vay 12 tháng.
Các ngân hàng lớn cũng đang trong xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà. “Anh cả” Vietcombank giảm lãi suất 0,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 0,3%/năm cho 2 kỳ hạn dài 24 tháng và 36 tháng.
Trong khi đó, tại BIDV, các khoản vay có kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng lần lượt giảm 0,2%/năm xuống còn 7,8%/năm và 8,8%/năm. Còn Vietinbank vẫn duy trì lãi suất ở mức 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng” bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, ngân hàng Vietcombank là đơn vị có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất với mức lãi 7,7%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, Eximbank bất ngờ có sự điều chỉnh theo chiều hướng tăng thêm 0,5%, lên mức 12%/năm, trở thành ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất Việt Nam.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác có lãi suất cho vay mua nhà cao hơn 10%. Đó là VIB (10,1%/năm), Lienvietpostbank (10,25%/năm) và Sacombank (11,5%/năm).
|
Mức giảm lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS tăng tốc trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh. Ảnh: Vũ Đức Anh |
Tăng trưởng tín dụng bất động sản không "bùng nổ" như kỳ vọng?
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS cho rằng, theo lý thuyết, khi lãi suất cho vay mua nhà giảm, nhà đầu tư và người mua nhà sẽ nhận được nhiều lợi ích, đặc biệt là tiết giảm chi phí mua nhà.
Tuy nhiên, thực tế thị trường BĐS vẫn đang chịu sự chi phối mạnh từ Thông tư 22, và Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) nâng chỉ số rủi ro và dự phòng đối với các khoản vay BĐS. Điều này khiến việc tăng trưởng tín dụng bất động sản không "bùng nổ" được như kỳ vọng.
Cụ thể, NHNN quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ là 150% kể từ ngày 1/1/2020. Các khoản cho vay mua nhà từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng nằm trong nhóm có hệ số rủi ro là 100%.
Điều đó có nghĩa hiện nay khi cho vay mua nhà, ngân hàng sẽ phải chi thêm một khoản tiền mặt để tăng dự phòng cho khoản vay đó. Khoản vay có giá trị càng cao, tỷ lệ chi thêm dự phòng càng nhiều.
Như vậy, các ngân hàng buộc phải tăng vốn tự có nếu muốn đẩy mạnh cho vay các khoản này. Đây không phải là điều dễ làm, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh.
|
Các chuyên gia kiến nghị NHNN tiếp tục hạ lãi suất cho vay ở mức dưới 4,8% đối với nhà ở xã hội và dưới chuẩn 10% đối với các dự án nhà ở thương mại. Ảnh: Vũ Đức Anh |
“Thông tư 22 và Thông tư 36 của NHNN đang “bóp nghẹt” thị trường BĐS, khiến nhà đầu tư khó tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng. Vì vậy, kể cả lãi suất ngân hàng có tiếp tục giảm cũng khó tạo ra cú hích cho thị trường”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã giảm, nhưng vẫn còn ở ngưỡng cao, chưa thể tạo ra mức lãi suất hấp dẫn để kích thích thị trường.
Trên cơ sở đó, chuyên gia này kiến nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu việc hạ lãi suất xuống mức thấp hơn nữa để kích thích thị trường tăng trưởng.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, lãi suất cho vay mua nhà giảm so với cuối năm 2019, nhưng do vấn đề nợ xấu còn nhiều, nên các NHTM vẫn dè chừng khi giảm lãi suất.
“Dù NHNN đã cho phép các NHTM giãn nợ, nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay, tình hình nợ xấu có thể tệ hơn nữa. Nên các ngân hàng vẫn còn giảm lãi suất 1 cách dè chừng và khó có thể tạo ra một đợt “sóng” giảm lãi suất”, ông Hiếu nói thêm.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/lai-suat-vay-mua-nha-giam-soc-thi-truong-nha-dat-co-tang-dot-bien-287779.html