UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định tạm dừng giải quyết hồ sơ xin tách thửa, nhằm chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền tràn lan thời gian qua.
Các khu đất tách thửa, phân lô bán nền của các cá nhân, doanh nghiệp ở Lâm Đồng có nhiều điểm tương đồng với địa ốc Alibaba.
Thực hiện kết luận chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban ngày 01/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn đến khi có ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND tỉnh. Ngoại trừ các trường hợp hồ sơ tách thửa do tặng, cho trong gia đình.
Trước đó, để báo cáo Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng Đăng ký Đất đai (Sở Tài Nguyên - Môi trường Lâm Đồng) đã có Văn bản gửi đến chi nhánh các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc để chỉ đạo về việc kiểm tra, xác minh hiện trạng sử dụng đất (xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp, san gạt để làm đường giao thông). Đồng thời, cung cấp các thông tin về nguồn gốc đất đai; chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở hay chưa.
Cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức phân lô bán nền, bất chấp quy định pháp luật xuất hiện tràn lan ở Lâm Đồng.
Thông tin từ một số sàn giao dịch nhà đất có tiếng ở Lâm Đồng, tại khu vực các huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc nổi lên tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp đi thu mua đất nông nghiệp, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, tự tách thửa rồi rao bán công khai.
Phải kể đến hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực phân lô bán nền ở Lâm Đồng hiện tại như: Khu nghỉ dưỡng Green Garden Hill; Khu dân cư biệt lập Lộc Ngải - Green View; Đất nền Camelia Lake View; Siêu phẩm hồ Ngọc Villa; Đất nền Nghỉ dưỡng Sun Home; Kingdom Ecolake Village; Kingdom Hill Village; La Melodie Bảo Lộc; The Tropicana Garden; Sakura Garden; ĐamB'ri Hill Village; Farm Hill Bảo Lâm; Bảo Lộc Park Hill; Khu phân lô Dalat Hill, Khu Du lịch Sinh thái Lộc Châu, Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Đồng; Khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu, Pinealley Bảo Lộc; Ecovill; Jade Garden Hill Bảo Lộc …
Qua rà soát hồ sơ, các khu vực quảng cáo trên là do hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục tách thửa sau đó chuyển quyền sử dụng đất với hộ gia đình cá nhân khác có nhu cầu nhưng được các đối tượng môi giới bất động sản quảng cáo bằng cách đặt tên cho các dự án dưới hình thức “Dự án bất động sản” để thu hút người mua. Thực tế các khu đất nêu tên trên chưa được cơ quan nhà nước nào cấp phép làm dự án.
Nhiều dự án ma ở Lâm Đồng được ngụy trang bằng cách trồng những rừng thông lên trên phần đất đã được phân lô.
Trong đó, “khủng” nhất là “ông lớn” phân lô Minh Anh Garden với hàng loạt các dự án ma đang được quảng cáo công khai như: The Four Seasons; Minh Anh Garden 7, Minh Anh Garden 8 - Secret Garden, Lake View Villa, Highland Valley, Suny Riverside…
Năm 2019, vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo, bán dự án ma dưới hình thức phân lô, gây chấn động dư luận cả nước là một bài học nhãn tiền. Được biết, các Công ty liên quan địa ốc Alibaba đã vẽ gần 50 dự án ma tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất.
Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom đất nông nghiệp, đến nay xác định là hơn 600ha, ở nhiều tỉnh, thành. Sau đó, Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất này thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở...Sau đó, đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.
Cụ thể, các cá nhân, doanh nghiệp này tổ chức rao bán đất nền chưa đủ pháp lý, bán đất không nằm trong quy hoạch sử dụng đất, dân mua đất nhưng không xây nhà được, thi công hạ tầng khi chưa đủ điều kiện.
Mặc dù quy mô ở Lâm Đồng còn nhỏ hơn các địa phương khác nhưng nếu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng không xử lý triệt để từ ban đầu, để loạn phân lô bán nền như hiện tại, rất dễ xảy ra kịch bản tương tự như vụ việc địa ốc Alibaba đã lừa đảo khách hàng.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng