Với trách nhiệm của một luật sư đã tham gia góp ý 5 kỳ sửa đổi Luật Đất đai, tôi kiến nghị, đất thuộc sở hữu toàn dân, dân phải được quyền mua bán, hay chí ít phải được quyền chuyển nhượng, chứ không phải là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai.
Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, luật Đất đai hiện hành năm 2013 giải thích một loạt từ ngữ, theo đó, “đất” cũng chính là “quyền sử dụng đất”. Đó là các khoản sau: Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là nhà nước giao đất); Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất); Giá đất là giá trị của quyền sử dụng đất; Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tương tự “đất” cũng chính là “quyền sử dụng đất” trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), sau đây gọi là dự luật:
Bồi thường quyền sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là bồi thường về đất);
Chiếm đất là việc sử dụng đất; Giá đất là giá trị của quyền sử dụng đất tính bằng tiền trên một đơn vị diện tích đất;
Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là nhà nước cho thuê đất); Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là nhà nước giao đất); Nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất.
Như vậy, bám sát các quy định nêu trên, có thể diễn đạt như sau:
“Bồi thường quyền sử dụng đất” cũng chính là “Bồi thường về đất”. “Chiếm quyền sử dụng đất” là “Chiếm đất”. “Cho thuê quyền sử dụng đất” là “Cho thuê đất”.
“Giá trị quyền sử dụng đất” là “Giá trị đất”. “Giao quyền sử dụng đất” là “Giao đất”. “Thu lại quyền sử dụng đất” cũng chính là “Thu hồi đất”. “Tranh chấp về quyền sử dụng đất” là “tranh chấp đất đai”.
Điều 12 về “Những hành vi bị nghiêm cấm” của dự luật cũng quy định: Cấm lấn, chiếm, hủy hoại “đất đai”, chứ không cấm lấn, chiếm, hủy hoại “quyền sử dụng đất”.
Cấm sử dụng “đất” không đúng mục đích, chứ không cấm sử dụng “quyền sử dụng đất” không đúng mục đích.
Cấm sử dụng “đất” mà không đăng ký, chứ không cấm sử dụng “quyền sử dụng đất” mà không đăng ký.
Cấm làm trái quy định về quản lý, sử dụng “đất đai”, chứ không cấm làm trái quy định về quản lý, sử dụng “quyền sử dụng đất đai”. Cấm cung cấp thông tin về “đất đai” không chính xác chứ không cấm cung cấp thông tin về “quyền sử dụng đất đai” không chính xác.
Cấm cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng “đất”, chứ không cấm cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng “quyền sử dụng đất”.
Cấm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng “đất đai”, chứ không cấm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng “quyền sử dụng đất đai”.
Khi đề cập đến quyền, nghĩa vụ của mọi chủ thể từ “toàn dân”, nhà nước, cho đến “tổ chức, cá nhân, chủ thể khác”, dự luật chỉ đề cập đến các cụm từ “sở hữu đất” chứ không hề nói đến sở hữu “quyền sử dụng đất”; chỉ viết là sử dụng “đất” chứ không viết là sử dụng “quyền sử dụng đất”.
Nhưng khi quy định về chuyển nhượng hay cho thuê thì dự luật lại viết rất mâu thuẫn, khó hiểu, với 3 cách diễn đạt hoàn toàn khác nhau:
Thứ nhất, chỉ quy định “chuyển nhượng đất nông nghiệp” chứ không viết chuyển nhượng “quyền sử dụng đất nông nghiệp” (Điều khoản 49.4,…).
Thứ hai, quy định ngược là “chuyển nhượng “quyền sử dụng đất” rừng phòng hộ”, chứ không viết là “chuyển nhượng “đất” rừng phòng hộ” hay viết “chuyển nhượng “quyền sử dụng đất” gắn với hạ tầng”, chứ không viết là “chuyển nhượng “đất” gắn với hạ tầng” (Điều khoản 49.6.b, 119.5,…).
Thứ ba, quy định đồng thời việc “cho thuê “đất”“ và “cho thuê “quyền sử dụng đất”“ (Điều khoản 29.1, 34.2,…).
Xét về nguyên lý căn bản, chỉ có thể bán, cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thế chấp, thừa kế, trao đổi… “tài sản”, chứ không thể bán, cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thế chấp, thừa kế, trao đổi… “quyền sử dụng tài sản”.
Theo đó, cũng chỉ có thể bán (đấu giá), cho mượn, cho thuê, chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thế chấp, thừa kế… “đất”, chứ không thể bán (đấu giá), cho mượn, cho thuê, chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thế chấp, thừa kế… “quyền sử dụng đất”.
Riêng đối với chuyển nhượng đất thuê cần gọi là chuyển nhượng quyền thuê đất, không nên diễn đạt thành chuyển nhượng “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất” hay gọi dài dòng là “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với quyền sử dụng đất thuê như dự luật.
Tóm lại, cần sử dụng chính xác, rõ ràng và đơn giản nhất, mà vẫn theo đúng với Hiến pháp và một số nhiều quy định của luật này cũng như các luật khác là bán (đấu giá) “đất”, bồi thường “đất”, cho mượn “đất”, cho thuê “đất”, chuyển đổi “đất” (trao đổi “đất”), chuyển nhượng “đất”, giao “đất”, định giá “đất”, góp vốn bằng “đất”, tặng cho “đất”, thế chấp “đất”, thu hồi “đất”, thừa kế “đất”, tranh chấp “đất”… chứ không thể sử dụng các cụm từ bán (đấu giá) “quyền sử dụng đất”, bồi thường “quyền sử dụng đất”, cho mượn “quyền sử dụng đất”, cho thuê “quyền sử dụng đất”, chuyển đổi “quyền sử dụng đất” (trao đổi “quyền sử dụng đất”), chuyển nhượng “quyền sử dụng đất”, giao “quyền sử dụng đất”, định giá “quyền sử dụng đất”, góp vốn bằng “quyền sử dụng đất”, tặng cho “quyền sử dụng đất”, thế chấp “quyền sử dụng đất”, thu hồi “quyền sử dụng đất”, thừa kế “quyền sử dụng đất”, tranh chấp “quyền sử dụng đất”…
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.